Tiếng Việt | English

12/05/2016 - 03:20

Cho vay tiêu dùng: Miếng bánh ngon!

Cuộc chiến giành thị phần của các công ty tài chính, ngân hàng thương mại trong phân khúc cho vay tiêu dùng, vay trả góp đang hết sức sôi động

Ngày 11-5, chị Nguyễn Minh Anh (ngụ quận 9, TP HCM) đến siêu thị điện thoại Thế Giới Di Động trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2) tìm hiểu thủ tục vay mua trả góp. Tại đây, chị bất ngờ khi thấy các dòng điện thoại, máy tính bảng mới của nhiều hãng lớn như Apple, Samsung, Sony, thậm chí Lenovo, OPPO cũng được cho vay mua trả góp 0% lãi suất.

Tranh thị phần

Hệ thống Thế Giới Di Động hiện có hơn 30 sản phẩm được tài trợ cho vay trả góp 0% lãi suất, thủ tục khá đơn giản với sự tham gia của 4 công ty tài chính. Nhân viên tư vấn hệ thống này cho biết mỗi tháng, sau khi được hãng sản xuất, nhà phân phối chia sẻ lợi nhuận, các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit đưa ra một số mẫu điện thoại, máy tính bảng cho vay trả góp lãi suất 0%. “Bán trả góp 0% lãi suất, người vay được lợi nhưng khoản trả trước thường từ 30%-50% giá trị sản phẩm, thanh toán trong 3-9 tháng, tùy giá trị khoản vay. Với những sản phẩm cho vay trả góp thông thường, lãi suất cũng giảm khá nhiều so với trước, tùy theo hồ sơ của khách hàng” - nhân viên tư vấn giải thích.

Tại các cửa hàng điện máy lớn luôn có khu vực tư vấn cho vay tiêu dùng. Ảnh: TẤN THẠNH

Ghi nhận tại các siêu thị điện thoại từ FPT Shop, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… đều có nhân viên của các công ty tài chính tư vấn tại chỗ cho khách hàng, hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục rồi ký hợp đồng vay trả góp. Hiện lãi suất phổ biến đang được các công ty tài chính áp dụng là 22%-25%/năm với điều kiện người vay có hộ khẩu, CMND, hóa đơn điện, nước hoặc hợp đồng bảo hiểm. Nếu người vay chỉ có hộ khẩu, bằng lái xe hoặc CMND, lãi suất sẽ cao hơn nhiều, khoảng 50%/năm.

Chỉ riêng hệ thống FPT Shop, năm 2015, số khách hàng mua sản phẩm có vay tài chính tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2014 và 30% doanh số đến từ các hợp đồng tín dụng trả góp. Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail - đơn vị hợp tác với nhiều công ty tài chính, cho biết mảng bán hàng trả góp trong quý I/2016 tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ sự liên kết của cả nhà phân phối và công ty tài chính. Nhờ vậy, lãi suất cho vay cũng giảm nhiều để hỗ trợ khách hàng.

Các khoản vay trả góp 0% lãi suất chỉ được một số công ty tài chính tung ra gần đây nhằm chiếm thị phần, giữ chân người vay trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Chẳng hạn, lần đầu tiên lợi nhuận của Home Credit bị sụt giảm trong năm 2015 dù số lượng khách hàng mới, tổng dư nợ cho vay đều tăng mạnh (mảng cho vay điện thoại di động và sản phẩm điện tử tăng 81% trong năm ngoái). Đại diện Home Credit giải thích sụt giảm lợi nhuận nằm trong kế hoạch của công ty nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm mạnh lãi suất cho vay và đẩy mạnh cho vay 0% lãi suất để thu hút khách hàng…

Đua nhau lập công ty tài chính

Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản NH, cho thấy bộ phận người dân được tiếp cận các dịch vụ tài chính còn rất thấp. Như vậy, dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn. Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá là “miếng bánh hấp dẫn” nên không phải ngẫu nhiên khi ngày càng nhiều NH thương mại muốn nhảy vào cuộc đua này. Năm 2015, FE Credit có kết quả kinh doanh gây bất ngờ khi lợi nhuận trước thuế lên tới 960 tỉ đồng, chiếm đến 2/3 lợi nhuận của NH “mẹ” là VPBank. Trong năm 2015, hàng loạt thương vụ sáp nhập, mua lại các công ty tài chính được nhiều NH thương mại triển khai.

Tại đại hội cổ đông năm 2016, nhiều NH thương mại cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương mua lại hoặc thành lập công ty tài chính. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho biết việc sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel vào SHB nằm trong chiến lược phát triển để trở thành NH bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu Việt Nam vào năm 2020. Công ty Tài chính Tiêu dùng SHB sau sáp nhập sẽ đáp ứng mảng rất quan trọng là bán lẻ tiêu dùng và được nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhận định thị trường bán lẻ, nhất là cho vay tiêu dùng, đang trở thành phân khúc hấp dẫn đối với các NH thương mại. Những phân khúc khác như cho vay để sản xuất, kinh doanh, chênh lệch giữa huy động và cho vay không nhiều nên nhiều NH phải đẩy mạnh các dịch vụ bán lẻ, thanh toán xuất nhập khẩu, cho vay tiêu dùng… Năm 2011-2012, tỉ trọng cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn với khoảng 16.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2015, tổng dư nợ tín dụng cho vay phân khúc này đã xấp xỉ 90.000 tỉ đồng.

Bà Vương Thị Thủy Tiên, thành viên HĐQT Home Credit Việt Nam, cho rằng cạnh tranh khốc liệt đang buộc mỗi công ty tài chính phải tìm hướng đi riêng, trong đó có giảm lãi suất./.

Thái Phương/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết