Tiếng Việt | English

28/08/2017 - 10:23

Chọn Mỹ tập huấn, điền kinh 'hốt' vàng

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II kiêm phó trưởng đoàn thể thao VN Nguyễn Trọng Hổ giải thích: một trong những nguyên nhân giúp điền kinh VN soán ngôi Thái Lan (9 HCV) để dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 2017 với 17 HCV là nhờ chọn Mỹ tập huấn, thay vì Trung Quốc như trước đây.

Chinh (số đeo 617) và đội điền kinh tiếp sức nữ 4x100m giành HCV tại SEA Games 29. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Trọng Hổ là HLV điền kinh và từng dẫn dắt đội tuyển điền kinh VN tại SEA Games 2015 với 11 HCV.

Ông Hổ cho biết: “Điền kinh VN đã chuẩn bị từ 3-4 năm trước, với một lứa VĐV rất mới. Chúng ta cũng thay đổi nhiều phương thức tập luyện lẫn địa điểm tập huấn. Trước đây, điền kinh VN thường đi Trung Quốc tập huấn, nhưng 2-3 năm trở lại đây đã chọn sang Mỹ dù kinh phí dĩ nhiên phải tốn nhiều hơn. Như 1 VĐV đi tập huấn ở Mỹ có thể bằng 4-5 VĐV đi tập huấn ở Trung Quốc, thậm chí còn nhiều hơn. Tuy nhiên, ngành thể thao đã được quan tâm và hỗ trợ tối đa cho những chuyến tập huấn này để có thể có được thành tích cao”.

Theo ông Hổ, chuyển biến rõ rệt nhất của sự thay đổi là bây giờ điền kinh VN có lực lượng hùng hậu có thể lấy được HCV, thậm chí một nội dung cũng có đến nhiều VĐV có thể giành HCV. Trong khi ngày xưa, VĐV giỏi của điền kinh VN chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Ví dụ như nội dung 400m, 400m rào hay 4x100m tiếp sức, chúng ta có nhiều VĐV có thể lấy được HCV. Nội dung 100m của Lê Tú Chinh cũng thế, em ấy chạy rất xuất sắc trong lần đầu tiên tham dự SEA Games. Nhưng không phải chúng ta không còn ai có thể lấy HCV ở nội dung này, khi Nguyễn Thị Oanh hay Quách Thị Lan cũng có thể chuyển xuống chạy 100m và có thể giành HCV” - ông Hổ nói.

* Vậy đâu là nguyên nhân điền kinh VN có lực lượng hùng hậu như thế?

- Tôi nghĩ sau thành công của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện... nhiều địa phương bắt đầu nhảy vào đầu tư cho điền kinh, trong đó có cả những nơi vùng sâu vùng xa. Ngày trước, đội tuyển điền kinh chỉ tập trung đa số ở hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM. Nhưng giờ thì Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ đóng góp vài VĐV, còn lại là các tỉnh trải dài khắp cả nước. Đây là điều đáng mừng của điền kinh VN, khi những năm tới đây còn phát triển tốt hơn nữa.

* Chiếc HCV nào làm ông bất ngờ nhất?

- Đó là HCV nhảy xa nam của Bùi Văn Đông sau khi anh chỉ đến SEA Games 2017 bằng vé vớt vào phút chót. Ở nội dung này, chúng ta có 3 VĐV trên tài Đông, nhưng điều quan trọng là anh ấy đang có phong độ tốt nhất sau khi giành HCV tại Giải điền kinh TP.HCM mở rộng 2017 với thành tích 7,89m nên được chọn. Ngoài ra, nội dung 5.000m nữ cũng là một bất ngờ khi VĐV Indonesia rất mạnh nhưng chúng ta đã giành HCV (Nguyễn Thị Oanh) và HCB (Phạm Thị Huệ). Rồi HCV nhảy ba bước nữ của Vũ Thị Mến cũng là bất ngờ sau cú nhảy xuất thần 14,15m.

* Còn VĐV gây ấn tượng nhất với ông?

- Chắc chắn là Lê Tú Chinh rồi. Trong số 3 HCV giành được, cô gái 20 tuổi này có HCV ở cự ly 100m được xem là danh giá nhất của điền kinh. Hơn nữa, thành tích của Tú Chinh rất tốt, có thể tiếp cận chuẩn Olympic. So với nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương trước đây thì Tú Chinh vượt trội hơn về thành tích quốc tế, đặc biệt ở nội dung 200m. 

* Nhìn từ SEA Games 2017, liệu điền kinh VN có hi vọng giành HCV tại Asiad 2018?

- Điều đáng mừng với điền kinh VN không chỉ là số lượng HCV nhiều, mà còn là chất lượng huy chương để hướng đến tấm HCV đầu tiên cho điền kinh VN ở đấu trường Asiad. Theo tôi đánh giá, với những HCV tại Malaysia, chúng ta có thể lấy được HCV Asiad 2018 sòng phẳng ở một số nội dung. Một là thành tích nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo, khi cô nhảy vượt xa thành tích của VĐV đoạt HCV Asiad Incheon 2014 rất nhiều (6,68m so với 6,55m). Hai là thành tích 200m của Lê Tú Chinh, nếu cô tiếp tục duy trì được phong độ như thế này thì có thể nghĩ đến HCV Asiad. Ngoài ra, có thể kể đến Nguyễn Thị Huyền hay Quách Thị Lan (cùng 400m và 400m rào), dù Lan đang thi đấu không tốt tại SEA Games 2017 do chấn thương.

Nguyên Khôi/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết