Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 08:48

Chống “tham nhũng vặt” là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Kế hoạch số 82, ngày 24/12/2018 với nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay còn gọi là “tham nhũng (TN) vặt”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Kế hoạch số 82, ngày 24/12/2018 với nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay còn gọi là “tham nhũng (TN) vặt” .

Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2019

Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác thanh tra, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường. Tình hình TN đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Đặc biệt, các vụ việc, vụ án TN đều được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác PCTN còn một số tồn tại, hạn chế cần được chú trọng xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho biết: “Có thể nhận thấy, công tác PCTN thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án TN. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. “TN vặt” vẫn tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa,...”.

Thực tiễn cho thấy, ngoài những vụ việc TN đã được phát hiện và xử lý, trong xã hội chúng ta còn phải đối mặt với những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, TN nhỏ, mức độ thất thoát ngân sách nhà nước không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến dư luận nhưng vẫn xảy ra hàng ngày, trong từng cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, đó là “TN vặt”.

Theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua có tình trạng, hiện tượng hạch sách, nhũng nhiễu, “TN vặt” tại một số nơi: UBND cấp xã có hiện tượng giả mạo, gian dối để lấy tiền chính sách; ngành giáo dục thì xảy ra chạy trường, chạy lớp; ngành y tế thì có việc lo lót, bồi dưỡng cho bác sĩ; trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng thường phát sinh thêm một số khoản chi phí không chính thức,...

Nguyên nhân của tình trạng này có thể thấy xuất phát từ việc cải cách hành chính còn chậm, cơ chế xin - cho trong hoạt động công vụ vẫn còn; một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp xem việc quà cáp, lót tay là hiển nhiên, bình thường; sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ dễ bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất,... dẫn đến tình trạng “TN vặt” chưa được ngăn chặn một cách triệt để.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Vững, nạn “TN vặt” nếu chúng ta không để ý thì lâu dần thấy quen mắt, không còn bức xúc, phẫn nộ nữa. Nếu tái diễn như vậy, dần dần chúng ta chấp nhận “TN vặt” và hậu quả là sau này, thế hệ tương lai lớn lên cũng xem nạn “TN vặt”, “hối lộ vặt” là đương nhiên. Do đó lại nảy sinh ra những “công bộc” phục vụ dân hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu rất nguy hiểm. “TN vặt” làm thay đổi những chuẩn mực đạo đức, lối sống của người dân, làm băng hoại giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lối sống của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, tạo ra thông lệ, điều kiện buộc người dân phải thực hiện những hành vi trái với đạo đức truyền thống như đút lót, phong bì, từ đó dần dần hình thành tâm lý, thói xấu trong xã hội.

Xử lý “tham nhũng vặt” để tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng

“TN vặt” không còn là chuyện vặt mà đã trở thành vấn đề lớn. Điều nguy hiểm nhất của “TN vặt” là tạo ra bức xúc, đặc biệt là gây mất niềm tin của người dân vào các cơ quan Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 7 giải pháp để phòng, chống “TN vặt”.

Đó là, Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, trước hết là sự gương mẫu quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; quy định cụ thể thời gian bắt buộc phải hoàn thành các thủ tục hành chính, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, đạo đức tốt, năng lực và trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ; nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc được giao.

Triển khai và thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử trên tất cả lĩnh vực như tăng cường triển khai các thủ tục hành chính trực tuyến, mọi thông tin cấp phép, xin phép, nộp thuế, khai báo hải quan,... qua Internet nhằm hạn chế cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “TN vặt”. Xây dựng và ban hành các quy định về việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát và kịp thời chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, hạn chế trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, chú trọng cấp cơ sở; thường xuyên thanh tra công vụ đột xuất và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; xử lý kịp thời các phản ánh, đơn, thư tố cáo của công dân, doanh nghiệp và báo chí liên quan đến tiêu cực, TN, đặc biệt là các hành vi “TN vặt”. Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, đảng viên có dư luận biểu hiện TN, suy thoái; khi cần thiết tạm đình chỉ công tác, chức vụ khi có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả giải quyết, xử lý.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và tính tiên phong, nêu gương của người đứng đầu trong PCTN. Tạo cơ chế kiểm soát, kiểm tra, giám sát để cán bộ, công chức, viên chức không có điều kiện “TN vặt”. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, cần có lối sống trong sáng, lành mạnh, tiết kiệm; cam kết không TN, suy thoái và đi đầu trong đấu tranh PCTN, suy thoái.

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong nắm tình hình, đánh giá dư luận xã hội về phòng, chống “TN vặt” và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để có các định hướng dư luận, thông tin báo chí đúng đắn tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát; tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đối với hoạt động PCTN, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN. Phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp trong tỉnh, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, TN./.

Hoàng Anh - Vũ Quang

Chia sẻ bài viết