Tiếng Việt | English

05/05/2017 - 12:05

Chống “trượt” cho tiêu chí môi trường cần có giải pháp căn cơ, lâu dài

Hiện nay, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là chỉ tiêu rác thải, nước thải được thu gom, xử lý đúng quy định. Đây là vấn đề đang gây bức xúc ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Như Báo Long An phản ánh, tình trạng rác thải sinh hoạt vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường trên Đường tỉnh 830, nhất là đoạn qua xã Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa), xã Lương Hòa, Lương Bình (huyện Bến Lức); Đường tỉnh 830, 833B qua các xã Long Định, Long Cang (huyện Cần Đước);... Qua tìm hiểu, bên cạnh ý thức người dân thì việc thiếu thùng chứa rác, chưa ký được hợp đồng thu gom rác, khiến các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.


Không chỉ vứt rác ra đường, nhiều nơi, người dân còn vứt rác xuống sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường nước. (Ảnh chụp ngày 12/4/2017, tại ấp 3, xã Long An, huyện Cần Giuộc)

Khó nhất vẫn là kinh phí

Chủ tịch UBND xã Long Định, huyện Cần Đước - La Minh Triều cho biết, đến thời điểm này, xã mới đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong 5 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí môi trường. Đây là tiêu chí khiến xã băn khoăn, lo ngại nhất vì chưa có biện pháp thu gom, xử lý triệt để lượng rác sinh hoạt trên địa bàn.

Là địa phương phát triển công nghiệp, chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế, nên số lượng dân nhập cư đến xã Long Định khá cao. Toàn xã hiện có 11.500 nhân khẩu/tổng diện tích tự nhiên là 1.065ha. Đất chật, người đông, lượng rác sinh hoạt thải ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, số lượng thùng chứa rác được cấp quá ít, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế (mỗi năm chỉ từ 3-4 thùng, chủ yếu trang bị cho các đơn vị công lập: Trường học, trạm y tế,...).

Chị Đ.T.K.L - người dân ở khu dân cư ấp 3, xã Long Định bức xúc: “Hàng tháng, mỗi hộ dân đóng 20.000 đồng để thuê dịch vụ thu gom rác vì không có chỗ xử lý. Tuy nhiên, việc thu gom “bữa được, bữa mất", có khi 2 tuần mới thu gom 1 lần. Lượng rác tích tụ nhiều, bốc mùi hôi thối, người dân không thể để trong nhà đành phải đem ra đường chất thành đống. Nhà nọ bắt chước nhà kia và những người đi đường cũng tham gia vào, cứ thế, các bãi rác lộ thiên ngày càng phình to, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phạm Chí Tâm, Công ty Công trình đô thị huyện chịu trách nhiệm thu gom rác ở thị trấn Cần Đước và 13/16 xã trên địa bàn. Do quãng đường vận chuyển khá xa và thiếu xe thu gom rác (toàn huyện hiện chỉ có 3 xe lớn, 1 xe nhỏ) nên 3 xã: Long Sơn, Long Định, Long Cang phải hợp đồng thuê xe gom rác tư nhân. Với địa bàn tương đối rộng, lượng rác nhiều, chi phí xử lý cao, hàng năm, huyện phải bù lỗ gần 5 tỉ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác.


Người tham gia giao thông trên Đường tỉnh 830 đều bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ các bãi rác lộ thiên (Ảnh chụp ngày 31/3/2017, tại ấp 3B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa)

Người dân tự xử lý rác nên hiệu quả chưa cao

Không riêng các xã đang phấn đấu về đích NTM, kể cả những địa phương được công nhận đạt chuẩn, tình trạng vứt rác bừa bãi và việc thu gom, xử lý rác thải luôn là thách thức lớn.

Trên địa bàn xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành (một trong những xã NTM đầu tiên của tỉnh), xe thu gom rác hiện chỉ hoạt động ở 2 tuyến đường lớn là Trần Văn Giàu (ấp Vĩnh Xuân A) và đường Chiến Lược (ấp Vĩnh Xuân A - ấp Mỹ Xuân). Ở những khu vực dịch vụ thu gom rác chưa phủ đến, người dân phải tự xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố chôn lấp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa mang lại hiệu quả cao. Bởi bên cạnh những loại rác thải phân hủy được như: Xác chết động vật, phế phẩm từ rau, củ quả, thức ăn thừa,... thì vỏ chai nhựa, túi nylon rất khó phân hủy trong điều kiện chôn lấp bình thường. Những loại rác này nếu đốt thì không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, công nghệ vẫn sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.

“Từ trước đến nay, người dân ở đây vẫn có thói quen xử lý rác bằng cách chôn hoặc đốt tại nhà, gia đình tôi cũng vậy. Dù biết sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu không chôn hoặc đốt thì số rác này, người dân biết đổ ở đâu?” - bà N.T.N, ngụ ấp Vĩnh Xuân A bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Lê Kim Thủy nhận định, tiêu chí môi trường không khó thực hiện nhưng lại rất dễ “trượt” bởi nó phụ thuộc phần lớn vào ý thức, trách nhiệm của người dân. Do đó, để củng cố, giữ vững tiêu chí này, xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác tại nguồn, nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường. Cuối năm 2016, xã thành lập 4 tổ vệ sinh môi trường do Đoàn Thanh niên đảm trách, thường xuyên ra quân thu gom rác dọc các tuyến đường, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Thế nhưng, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại những điểm thu mua thanh long.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Không thể phủ nhận, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rác thải tràn lan như hiện nay là do một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hầu hết vẫn còn tâm lý tiện đâu vứt đấy ở những khu vực công cộng: Đường giao thông, kênh, rạch,... dẫn đến tình trạng sạch nhà nhưng còn bẩn ngõ. Thiếu thùng chứa rác, người dân phải để tràn lan đã đành, ở những nơi được trang bị thùng chứa rác, nhiều người vẫn vứt ngay bên cạnh thùng hoặc đang chạy xe tiện tay quăng vào, khiến những nơi tập kết rác trở nên vô cùng nhếch nhác.

Tuy nhiên, nếu cứ mãi thụ động trông chờ người dân nâng cao ý thức thì chương trình xây dựng NTM khó đạt hiệu quả và tiến độ đề ra. Đặc biệt, đối với tiêu chí môi trường, để tình trạng ổ nhiễm không còn là vấn nạn thì việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải là nhu cầu hết sức bức thiết, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Chính quyền các cấp có trách nhiệm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, nhân lực làm công tác vệ sinh môi trường. Đồng thời nhân rộng những mô hình tốt, tích cực về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về xả thải không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác ở cộng đồng dân cư. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, xem đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại chi, tổ hội, gia đình văn hóa, ấp văn hóa hàng năm.

Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân, tin rằng, vấn đề rác thải sinh hoạt ở nông thôn nhanh chóng được cải thiện, góp phần cùng các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường, thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt không chỉ là vật cản quá trình xây dựng NTM mà còn ảnh hưởng đến phong trào xây dựng xã văn hóa tại nhiều địa phương.

Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - Trần Ngọc Thái, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Một số ban chỉ đạo cấp huyện và cơ sở tuy được củng cố, kiện toàn nhưng chưa duy trì họp định kỳ; có phân công, phân nhiệm cho từng thành viên nhưng chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc, thậm chí có biểu hiện buông lỏng trong công tác chỉ đạo, quản lý sau khi được công nhận danh hiệu văn hóa, khiến cho những nếp sinh hoạt cũ quay trở lại, làm suy giảm chất lượng phong trào.

Để khắc phục tình trạng trên, cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, trong đó, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng nhất./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết