Tiếng Việt | English

26/02/2019 - 20:05

Chủ động phát hiện sớm bệnh lao

Thời gian qua, Bệnh viện (BV) Lao và bệnh phổi Long An thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động phát hiện sớm bệnh lao. Hoạt động này không chỉ giảm lây lan mà còn giúp điều trị bệnh hiệu quả, giảm di chứng cho bệnh nhân (BN) mắc bệnh lao.

Trên 2.200 bệnh nhân lao được phát hiện

Khám, tư vấn tầm soát bệnh chủ động là giải pháp hiệu quả giảm nguy cơ lây lan bệnh được Bệnh viện Lao và bệnh phổi Long An quan tâm

Trên 2.200 bệnh nhân lao được phát hiện

Nhiều trường hợp BN lao còn sợ bị kỳ thị nên che giấu căn bệnh của mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, khám tầm soát bệnh chủ động là giải pháp hiệu quả giảm nguy cơ lây lan bệnh được ngành y tế quan tâm thực hiện.

Năm 2018, toàn tỉnh có 2.234 ca mắc bệnh lao các thể được phát hiện, đạt 103,4% kế hoạch. Những BN mới phát hiện được điều trị kịp thời theo phác đồ, giảm nhiều nguy cơ lây bệnh cho người khác. Tỷ lệ BN được điều trị khỏi bệnh lao phổi mới có vi trùng lao trong đàm đạt 93,7% (chỉ tiêu >85%).

Giám đốc BV Lao và bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết: “Nếu một BN mắc lao phổi chưa phát hiện ở cộng đồng thì nguy cơ có thể lây cho 10-15 người khác trong 1 năm”.

Hoạt động tầm soát lao chủ động giúp người dân hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng bệnh lao, chủ động khám bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng và hạn chế được lao kháng thuốc. Vừa chờ kết quả xét nghiệm, chị Nguyễn Thị Mười (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) trao đổi với chúng tôi về bệnh tình của mình. Chị Mười chia sẻ: “Mấy năm trước đây, tôi bị ho kéo dài, uống thuốc kháng sinh mà không khỏi. Vì thế, tôi đến BV Lao và bệnh phổi Long An tầm soát bệnh. Sau khi tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ thì bệnh khỏi hẳn”.

Mạng lưới hoạt động công tác phòng, chống lao của tỉnh bao phủ đến tận xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy, BN lao được chăm sóc, hỗ trợ điều trị tại cơ sở y tế gần nhất. Cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, Trạm Y tế xã Bình Thành, huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Triều cho biết: “Hiện xã có 6 BN lao được theo dõi và điều trị tại địa phương. Chúng tôi phụ trách phát thuốc và tư vấn, hỗ trợ trong thời gian BN điều trị. Ngoài ra, việc truyền thông cũng được quan tâm nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế lây lan trong cộng đồng”.

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, BV Lao và bệnh phổi Long An luôn cải tiến, nâng cao chất lượng khoa khám bệnh; bố trí thêm phòng, đáp ứng linh hoạt khi lưu lượng người bệnh tăng đột biến, bảo đảm mỗi bác sĩ khám 65 lượt người bệnh/bàn khám.

BV quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh (KCB), giảm thời gian chờ đợi, tăng sự hài lòng của người bệnh. Từ đó, BV thu hút BN KCB ngày càng tăng. Năm 2018, có 6.933 BN KCB ngoại trú, tăng 18,3 % và 1.276 lượt BN điều trị nội trú, tăng 16,5 % so cùng kỳ năm 2017.

Dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác phòng, chống bệnh lao phải đối mặt với nhiều thách thức. Cả nước nói chung và Long An nói riêng, tỷ lệ mắc bệnh lao cao và phải chịu gánh nặng bệnh lao kháng thuốc. Tổng số ca bệnh lao kháng thuốc được phát hiện và thu dung điều trị năm 2018 là 67 ca, đạt 89,3% kế hoạch, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2017. Tổng số ca bệnh lao trẻ em được phát hiện là 12 ca, tương đương so với cùng kỳ năm 2017.

Nhằm nâng cao tỷ lệ % các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng theo phân tuyến của Bộ Y tế cũng như giúp điều trị tốt cho BN, nhất là BN lao kháng thuốc, năm 2019, BV tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật mới trong hoạt động lâm sàng giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật mới, tiên tiến trong quá trình điều trị tại BV. Bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết thêm: “Nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh lao dưới 131/100.000 dân cuối năm 2019, các hoạt động tuyên truyền, tầm soát phát hiện bệnh chủ động sẽ được tiếp tục duy trì. Chú trọng việc nghiên cứu dịch tễ, sử dụng thuốc đặc trị, phác đồ điều trị mới. Tiếp tục phối hợp y tế công và tư trong phòng, chống lao, đồng thời, thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh như kỹ thuật kính hiển vi Huỳnh Quang, xét nghiệm Gene-Xpert,... nhằm chẩn đoán nhanh và chính xác các trường hợp mắc bệnh lao và lao kháng thuốc. Công tác truyền thông giáo dục về bệnh lao được chúng tôi xem là hoạt động quan trọng giúp người dân hiểu rõ về bệnh, chủ động phát hiện sớm nên rất cần sự vào cuộc, chung tay của các ban, ngành, đoàn thể”.

BV cũng chú trọng việc thực hiện tốt quy chế chuyên môn, nhất là quy chế thường trực, hội chẩn, kê đơn và bán thuốc theo đơn, làm hồ sơ bệnh án. Việc giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật; công tác chăm sóc người bệnh cũng được chú trọng nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, ngoài thực hiện các hoạt động tầm soát phát hiện bệnh chủ động của ngành y tế, mọi người khi có những dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế lây lan trong cộng đồng./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết