Tiếng Việt | English

23/08/2018 - 12:17

Chủ động phòng bệnh trong mùa mưa

Mùa mưa là thời điểm dễ gia tăng các bệnh: Sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), cảm cúm, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, xương khớp,... Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa.

Một số bệnh thường gặp

Mùa mưa, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện dễ phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, bệnh SXH có nguy cơ tăng cao và diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Long An ghi nhận 875 ca mắc SXH (701 ca nội trú, 174 ca ngoại trú), giảm 55% so cùng kỳ năm 2017 (1.940 ca). Bệnh TCM cũng có nguy cơ tăng cao.

Hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Thạch

Hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Thạch

Nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người sử dụng thức ăn bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân khiến bệnh tiêu chảy gia tăng đáng kể. Nếu không được phát hiện sớm để chữa trị và cách ly kịp thời, bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch. Những nơi có điều kiện vệ sinh kém cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ. Đây là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Các bệnh đường hô hấp trên như cảm cúm, cúm A, bệnh do vi-rút Zika dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra trong mùa mưa. Bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh về xương khớp dễ tái phát do thời tiết thay đổi, nhất là những người có tiền sử mắc bệnh.

Ngoài ra, một số bệnh ngoài da thường gặp vào mùa này như nấm kẽ chân, viêm nang lông, nước ăn chân, mẩn ngứa,...

Chủ động phòng bệnh

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa năm nay, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến huyện, xã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý, không để lây lan trên diện rộng.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những biểu hiện của các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng được đẩy mạnh. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết. Khi dịch bệnh xảy ra sẽ triển khai khẩn cấp các biện pháp chống và thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh.

Đức Hòa là địa phương có dân nhập cư đông nên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh SXH. Công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH ở 2 mảng truyền thông trực tiếp và gián tiếp chưa đạt hiệu quả cao. Công tác xử lý dịch bệnh còn nhiều khó khăn do một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa cập nhật kịp thời trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm mới, dẫn đến phát hiện và xử lý dịch trễ.

Qua công tác tuyên truyền, người dân ngày càng nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh (Trong ảnh: Thường xuyên thay nước bình bông, tránh tạo điều kiện cho muỗi sản sinh)

Qua công tác tuyên truyền, người dân ngày càng nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh (Trong ảnh: Thường xuyên thay nước bình bông, tránh tạo điều kiện cho muỗi sản sinh)

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện có 234 ca mắc SXH, giảm 195 ca so cùng kỳ năm 2017. Mặc dù số ca bệnh giảm nhưng huyện luôn chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, trong đó, chú trọng công tác truyền thông, giám sát về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ngoài ra, nhân viên y tế còn thường xuyên vãng gia đến từng hộ gia đình, vận động, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Mùa mưa là đỉnh của dịch bệnh SXH. Vì vậy, ngành y tế huyện tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng tại những nơi có nguy cơ dự báo dịch bệnh (ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ; ấp Nhơn Hòa 1 và Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng; ấp Bình Tả 2 và Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ; khu A và khu B, thị trấn Hậu Nghĩa); tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh SXH qua hệ thống loa, đài.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: “Thời gian tới, bệnh SXH có chiều hướng gia tăng cả về số ca mắc bệnh và ổ dịch nhỏ. Để kéo giảm số ca mắc và ổ dịch nhỏ, các trạm y tế xã, thị trấn cần chủ động tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp tốt trong công tác vãng gia tại tất cả hộ gia đình có ca mắc bệnh SXH”.

Thạnh Hóa là huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười chịu ảnh hưởng bởi nước lũ nên vào thời điểm này, trên địa bàn thường xảy ra các bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột, TCM, viêm nhiễm đường hô hấp, cảm cúm, đau mắt đỏ, SXH và các bệnh ngoài da. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện ghi nhận 489 ca mắc bệnh tiêu chảy, 2.135 ca cảm cúm, 6 ca mắc bệnh SXH (giảm 21 ca so cùng kỳ năm 2017) và 9 ca mắc bệnh TCM (giảm 35 ca so cùng kỳ năm 2017).

Nhân viên y tế tuyên truyền biện pháp phòng tránh bệnh mùa mưa tại buồng bệnh

Nhân viên y tế tuyên truyền biện pháp phòng tránh bệnh mùa mưa tại buồng bệnh

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa - bác sĩ Lê Văn Thanh thông tin: “Hiện nay, học sinh bước vào năm học mới. Do đó, trung tâm phối hợp nhà trường vệ sinh tổng thể các điểm trường trên địa bàn, thường xuyên hướng dẫn học sinh cách rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; đẩy mạnh tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng tránh”.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo và đội chống dịch lưu động, sẵn sàng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị cơ số thuốc và cấp phát Cloramin B cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa; phân công nhân viên trạm y tế xã trực sẵn sàng ứng phó khi xảy ra dịch bệnh. Huyện xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho trạm y tế xã, toàn thể cán bộ, nhân viên y tế và ban, ngành, đoàn thể huyện. Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân viên y tế còn tuyên tuyền trực tiếp tại buồng bệnh và các cuộc họp hội đồng người bệnh. Từ đó, người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi được địa phương vận động phát quang bụi rậm xung quanh nhà, đậy nắp lu, khạp chứa nước mưa, thả cá diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết,... Ngoài ra, tôi còn cho con mặc áo dài tay, ngủ mùng, kể cả ban ngày nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mắc bệnh SXH”.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và người dân. Việc vệ sinh, khơi thông cống rãnh, ao nước tù đọng sau những đợt mưa lớn góp phần hạn chế bệnh bùng phát và lây lan thành dịch./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết