Tiếng Việt | English

07/05/2019 - 10:10

Chủ động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng

Phương thức cũng như thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, các lực lượng chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kéo giảm hoạt động buôn lậu trên địa bàn. Theo đó, cần xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Nhiều vụ buôn lậu bị bắt giữ

Hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới từ đầu năm 2019 đến nay vẫn xảy ra. Đối tượng buôn lậu thuê người mang, vác hàng hóa qua biên giới, sau đó sử dụng xe ôtô loại 4-7 chỗ ngồi vận chuyển sâu vào nội địa, đưa đi các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM tiêu thụ. Trước tình trạng này, các lực lượng chức năng cơ bản kiểm soát, kiềm chế được hoạt động buôn lậu.

Hàng hóa  không rõ nguồn gốc bị lực lượng quản lý thị trường  tạm giữ

Hoạt động buôn lậu chủ yếu vào ban đêm hoặc ngày, lúc có nhiều phương tiện lưu thông qua lại để qua mắt, tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Cụ thể, buổi sáng từ 6-7 giờ, chiều từ 17-20 giờ. Người được thuê vận chuyển hàng lậu chủ yếu là người địa phương, phần lớn không có việc làm ổn định, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Long An - Phạm Đức Chinh cho biết: Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, hàng điện tử, điện lạnh (đã qua sử dụng), đường cát, đồ gia dụng,...

Nổi cộm như ngày 04/4/2019, trên tuyến Quốc lộ 62, thuộc địa bàn xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Long An) bắt giữ xe ôtô tải vận chuyển 230 cục nóng, 226 cục lạnh máy điều hòa, 270 CPU máy tính, 5 ghế mát-xa, 20 cái loa (đã qua sử dụng) do nước ngoài sản xuất. Trị giá tang vật vi phạm khoảng 600 triệu đồng. Ngày 12/4/2019, cũng trên tuyến Quốc lộ 62, thuộc địa bàn xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, bắt giữ phương tiện vận chuyển 54 bộ máy điều hòa, 27 nồi cơm điện, 4 máy mát-xa, 5 âm ly (đã qua sử dụng), 156 sản phẩm sữa các loại, 101 lọ thực phẩm chức năng, 156 lọ mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa khoảng 200 triệu đồng.

Riêng mặt hàng thuốc lá lậu, từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện, thu giữ hơn 656.000 gói. Nổi cộm, ngày 04/4/2019, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Long An), bắt giữ xe ôtô vận chuyển 8.400 gói thuốc lá ngoại trên Đường tỉnh 830 thuộc địa bàn xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa.

4 tháng đầu năm 2019, ngành chức năng thu giữ hơn 656.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu

Còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực

Tình trạng gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, đo lường chất lượng, thuế. Trong lĩnh vực thương mại, hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa còn xảy ra các trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, vi phạm về nhãn mác; kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và vi phạm về điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tạ Văn Nguyễn Hoàng thông tin: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng còn xảy ra, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Quí I/2019, các đơn vị trực thuộc sở tổ chức thanh tra, kiểm tra 285 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã phát hiện 47 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 362 triệu đồng.

Một lô hàng phân bón kém chất lượng bị ngành chức năng tạm giữ 

Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Hà Văn Phúc cho biết: Tháng 02/2019, trên địa bàn xã Long Sơn, huyện Cần Đước, phát hiện 1 ổ dịch cúm gà với tổng đàn 6.000 con ở một hộ gia đình. Sau khi phát hiện, ngành chức năng triển khai các biện pháp dập dịch, khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, xác minh thông tin từ ngành chức năng, chủ hộ chăn nuôi thì được biết, đàn gà có thực hiện tiêm phòng. Vì vậy, qua kiểm tra cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thủy sản, cung cấp vắc-xin cho hộ chăn nuôi này, cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; tự ý sang chiết 2 loại thuốc thú y không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền; buôn bán thuốc ngoài danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa có thẩm quyền cho phép. Theo đó, ngành chức năng xử phạt cơ sở 25 triệu đồng và tiêu hủy 150 chai thuốc.

Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, lĩnh vực thuế xảy ra nhiều vi phạm. Quí I-2019, Cục Thuế tỉnh quyết định kết luận xử lý sau thanh tra 86 doanh nghiệp, xử phạt hơn 14,1 tỉ đồng (phạt hành chính hơn 4,3 tỉ đồng và phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 9,7 tỉ đồng). Các hành vi vi phạm chủ yếu là kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp; kê khai khấu trừ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các lực lượng chức năng trên địa bàn, triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2019 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Kế hoạch số 21/KH-BCĐ, ngày 25/01/2019).

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, các ngành, địa phương cần xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, nhất là mặt hàng thuốc lá, đường, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm,...

Hàng hóa  không rõ nguồn gốc bị lực lượng quản lý thị trường  tạm giữ

Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm an toàn thực phẩm, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, QLTT), các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng.

Theo quyền Cục trưởng Cục QLTT Long An - Phạm Đức Chinh, các ngành, chính quyền nắm chắc diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng trên địa bàn để chủ động tổ chức lực lượng, triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống hàng gian, giả, kém chất lượng, buôn lậu. Tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cung cấp thông tin, tài liệu để cơ quan báo chí tuyên truyền; đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vụ việc vi phạm lớn về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm tác động giáo dục, răn đe, phòng ngừa tái phạm.

Song song đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng./.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 4 tháng đầu năm 2019, ngành chức năng kiểm tra và phát hiện 1.057 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng. Trong đó, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu 337 vụ, hàng kém chất lượng 5 vụ, hàng giả (nhãn hiệu) 9 vụ, giả chất lượng 1 vụ, gian lận thương mại 705 vụ; thu nộp ngân sách gần 33 tỉ đồng. Trong đó, phạt vi phạm hành chính 12,5 tỉ đồng, phạt và truy thu thuế hơn 23 tỉ đồng,... Ngoài ra, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 15 vụ, 17 đối tượng, trong đó chủ yếu liên quan đến buôn lậu mặt hàng thuốc lá.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết