Tiếng Việt | English

11/09/2019 - 10:02

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Chủ động phòng, chống dịch

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có trên 100.000 con trâu, bò; khoảng 260.000 con heo và trên 7,5 triệu con gia cầm. Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Trước tình hình trên, các địa phương chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và người tiêu dùng; rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đủ liều theo quy định, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chuồng trại chưa đúng quy chuẩn. 

Bà Lại Thị Danh Toại, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Nhà tôi nuôi gần 10 con heo. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, tôi vệ sinh chuồng trại hàng ngày và phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo định kỳ, rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi. Từ khi chăn nuôi đến nay, đàn heo của gia đình chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, vệ sinh môi trường nuôi là biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả”. 

Còn ông Lâm Thành Trung, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng. Gia đình tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo. Ngoài ra, tôi còn chú ý vệ sinh chuồng trại bằng các loại hoạt chất như benkocid, virkon, vôi; bổ sung thức ăn tinh và xanh,... cho gia súc”. 

Không riêng những người chăn nuôi heo, người chăn nuôi gia cầm cũng chủ động phòng, chống dịch bệnh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà Tân Mỹ (huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều cho biết: “HTX có hơn 80.000 con gà với trên 30 hộ dân tham gia. Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, các thành viên HTX luôn chủ động tiêm phòng kết hợp vệ sinh chuồng trại, bảo đảm chất lượng thức ăn theo đúng khuyến cáo của ngành thú y. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên hỗ trợ các thành viên nâng cao kiến thức trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi”. 

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước - người có hơn 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà, đây là thời điểm nhiều nông dân nuôi gia cầm đón tết nên số lượng tăng, vấn đề phòng dịch rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán các sản phẩm gia cầm tràn lan; việc kiểm dịch động vật ra, vào địa bàn và không ít hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên nguy cơ xảy ra dịch rất cao. “Gia đình tôi nuôi trên 10.000 con gà. Tôi luôn tuân thủ quy định phòng, chống dịch, tiêm phòng đầy đủ theo đúng quy định. Nhờ chủ động phòng dịch bệnh nên thời gian qua, đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, sản phẩm trứng gà cũng bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng” - anh Dũng nói.

Năm nay là năm đầu tiên anh Nguyễn Hoàng Tuấn, ngụ xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, chăn nuôi. Những tuần qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều nên anh lo lắng. Anh chia sẻ: “Hiện gia đình tôi nuôi trên 2.000 con vịt để đón tết, được hơn 1 tháng. Do mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi nên dịch bệnh trên gia cầm rất dễ xảy ra. Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi, khi đến thời điểm tiêm phòng, tôi liên hệ với cán bộ thú y địa phương để tiêm cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, tôi còn chủ động phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại”.

Long An tiêu hủy hơn 28.485 con heo nhiễm dịch tả heo châu Phi

Long An tiêu hủy hơn 28.485 con heo nhiễm dịch tả heo châu Phi

Tăng cường phòng, chống trong giai đoạn chuyển mùa

Để quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xuất hiện; xử lý nhanh, gọn, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu khuyến cáo: “Trong thời điểm chuyển mùa, người chăn nuôi phải thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất cần thiết nhằm giúp đàn vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Người chăn nuôi chủ động tiêm các loại vắc-xin để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình chăn nuôi. Khi kiểm tra đàn vật nuôi, thấy có dấu hiệu lạ, người chăn nuôi cần chủ động báo ngay cho cán bộ thú y gần nhất để được hỗ trợ. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục phổ biến và thực hiện các chính sách, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người chăn nuôi trong việc làm chuồng, kỹ thuật chăn nuôi, con giống, kết cấu hạ tầng, xử lý chất thải…”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để hạn chế dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai tốt Tháng phun xịt tiêu độc, khử trùng, bám sát kế hoạch, phun xịt thuốc đúng đối tượng, đúng kỹ thuật. Người chăn nuôi hưởng ứng tích cực và chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi. Những tháng cuối năm là thời điểm dịch bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, ngành tập trung phối hợp các địa phương chuẩn bị, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ và người dân; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ và các điểm buôn bán GSGC. Trong đó, đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển GSGC từ các tỉnh, thành khác vào địa bàn Long An. Các cấp chính quyền cần có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, giấu dịch, báo cáo chậm để xảy ra và làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, từ đó làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại 1.113 hộ, thuộc 409 ấp/khu phố, 144 xã/phường của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy 28.485 con, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 1.780.867,7kg. Công tác xử lý ổ dịch tại các địa phương trong thời gian qua được thực hiện quyết liệt, hầu hết các ổ dịch đều được tiêu hủy (chôn hoặc đốt) theo đúng quy định ngay trong ngày đầu tiên phát hiện./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích