Tiếng Việt | English

25/02/2019 - 14:23

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm

Ngay từ những ngày đầu năm, người dân các huyện vùng hạ của tỉnh Long An đã chuẩn bị thả nuôi tôm vụ 1 năm 2019. Để vụ nuôi mới thành công, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB) trên tôm.

Tình hình dịch bệnh phức tạp

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện là 233ha, trong đó có hơn 36ha tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Chánh, Tân Ân, Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Từ đầu năm đến nay, công tác PCDB cho tôm được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm vẫn chưa được khống chế triệt để, các loại bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,... vẫn còn xảy ra suốt vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi với mật độ thấp.

Nông dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm

Ông Đỗ Văn Sơn, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, cho biết: “Năm trước, gia đình tôi thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1ha. Mặc dù đã chọn mua con giống ở các cơ sở có uy tín nhưng cả 3 vụ nuôi đều xuất hiện bệnh. Vụ đầu tiên, tôm nuôi được gần 1 tháng thì bệnh, lỗ khoảng 40 triệu đồng.Hai vụ sau cũng xuất hiện bệnh khi tôm nuôi đã hơn 2 tháng nên gia đình tôi phải xuất bán, lợi nhuận thu được không cao”. Còn ông Trần Văn Nhu, ngụ cùng địa phương, nói: “Gần 20 năm nuôi tôm, không năm nào mà ao tôm nhà tôi không bị dịch bệnh, thiệt hại kinh tế không nhỏ. Tuy nhiên, so với trước, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh giảm nhiều, hầu như chỉ xảy ra rải rác ở vài hộ và không có dấu hiệu lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, các hộ nuôi được tiếp cận nhiều thông tin, kỹ thuật nuôi trồng, nhờ vậy mà hộ nào cũng tự giác cao trong khâu PCDB”. “Hiện nay, một số hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đã cải tạo ao để chuẩn bị thả nuôi vụ 1 năm 2019. Tuy nhiên, do thời tiết hiện nay rất nóng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá nhiều nên nguy cơ tôm mắc bệnh cụt râu, hoại tử gan, tụy cao, do đó nhiều người vẫn chưa thả giống vụ mới. Ngoài ra, để nghề nuôi tôm phát triển ổn định, tôi hy vọng, chính quyền tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh, mương, đưa điện đến từng hồ nuôi để người dân an tâm sản xuất” - ông Nhu nói thêm.

Còn tại huyện Tân Trụ, anh Võ Thành Vũ, ngụ xã Nhựt Ninh, cho biết: “Vụ tôm vừa rồi, gia đình tôi thả nuôi 2 ao với hơn 10 vạn con tôm giống, nhưng 1 ao chỉ sau 25 ngày thả tôm đã bị bệnh, phải xả bỏ; ao thứ hai tôm giữ được 60 ngày tuổi thì có biểu hiện rớt đáy. Chi phí hơn 50 triệu đồng, bao gồm tiền giống, điện, thức ăn,... đều coi như đổ sông, đổ biển”. Mặc dù vẫn còn lo ngại về dịch bệnh và độ an toàn của môi trường nước nhưng mấy hôm nay, gia đình anh Vũ vẫn đang tích cực cải tạo ao, xử lý môi trường bằng vôi bột, sử dụng thuốc diệt vi khuẩn để chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Được biết, vụ này, gia đình anh thả trên 10 vạn con tôm thẻ, nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 1 tuần nữa sẽ xuống giống.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Trụ - Đặng Văn Cộng thông tin: “Tổng diện tích nuôi tôm vụ 1 năm 2019 trên địa bàn huyện là 138,5ha, trong đó có 1,5ha tôm bị hư hại, phải tháo bỏ. Nguyên nhân chính là do tôm bị sốc nhiệt. Trung tâm đã có thông báo chi tiết về lịch thời vụ, mật độ thả nuôi phù hợp và gửi đến các địa phương để triển khai nuôi tôm vụ 1 năm 2019. Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, trung tâm tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện những công việc đã phân công, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch của sở, ngành về PCDB cho thủy sản nuôi năm 2019”.

Để vụ tôm đạt hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm thường do môi trường nuôi, điều kiện thời tiết phức tạp, biến động bất thường làm sức đề kháng của tôm bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh. Ý thức của một bộ phận không nhỏ hộ nuôi còn kém, chưa bảo vệ môi trường nuôi chung, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Ngoài ra, chất lượng con giống không bảo đảm, không được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trước khi thả, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chưa áp dụng tốt các biện pháp PCDB được cơ quan chuyên môn phổ biến. Vì vậy, để chủ động PCDB trên tôm, người dân cần cải tạo ao nuôi chu đáo, đúng quy trình; thả tôm nuôi với mật độ phù hợp.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn, nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người dân nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Cùng với đó, người dân thường xuyên liên lạc và nắm bắt các thông tin diễn biến về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi.

Thời gian tới, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó công tác PCDB trên tôm nuôi cần được tăng cường hơn nữa. Địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác PCDB. Đối với những ao nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường thì cần báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời để có được một vụ tôm thắng lợi, bội thu./.

Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 1.186,2ha tôm nước lợ, thu hoạch 631,5ha, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha, sản lượng 1.393 tấn. Trong tháng 02/2019, không có diện tích tôm bị thiệt hại, nhưng lũy kế đến nay, có 27,8ha tôm bị thiệt hại.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết