Tiếng Việt | English

23/03/2017 - 10:28

Chủ động phòng, chống hạn, mặn

Xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2017 trên địa bàn tỉnh Long An dự báo ít gay gắt hơn năm 2016, nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, độ mặn cao nhất và có thể xuất hiện vào cuối tháng 3/2017.

Trước tình hình trên, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh - Võ Kim Thuần về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và những giải pháp trong thời gian tới để nông dân chủ động trong sản xuất.


Xâm nhập mặn mùa khô năm 2017 trên địa bàn tỉnh Long An dự báo ít gay gắt hơn năm 2016

PV: Thưa ông, thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào và những nhận định của ngành chức năng?

Ông Võ Kim Thuần: Từ đầu tháng 01/2017, mặn bắt đầu xuất hiện trên các tuyến sông trong tỉnh (Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông (VCĐ), Vàm Cỏ Tây (VCT), Sông Tra), muộn hơn so với năm 2016 khoảng 3 tuần. Tính đến nay, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh dao động ở mức từ 0,20-14,0g/l, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 2,90-14,6g/l.

Trên sông VCĐ: Độ mặn 1g/l xuất hiện xa nhất (gần đến cầu Bến Lức, huyện Bến Lức, cách sông Soài Rạp khoảng 58km). Độ mặn 4g/l xuất hiện xa nhất (gần đến cống Bà Xiểng, huyện Cần Đước, cách sông Soài Rạp khoảng 43km).

Trên sông VCT: Độ mặn 1g/l xuất hiện xa nhất (vượt qua cống Tầm Vu, huyện Châu Thành, cách sông Soài Rạp khoảng 56km). Độ mặn 4g/l xuất hiện xa nhất (gần đến cống Sông Cui, huyện Châu Thành, cách sông Soài Rạp khoảng 42km).

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam: Những ngày có độ mặn lớn nhất trên 6-7g/l, độ mặn chân triều vẫn cao, cần kiểm tra khi lấy nước. Từ cuối tháng 2 trở đi, nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện một số ngày vào lúc thủy triều kém. Lân cận Tân An (VCT), Bến Lức (VCĐ) từ tháng 3 trở đi, nguồn nước ngọt giảm nhanh nhưng vẫn tranh thủ lấy được nước ngọt vào lúc triều vừa, thấp.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Long An: Độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày cuối tuần: Ranh giới độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 40km ở sông Vàm Cỏ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành). Ranh giới độ mặn 1g/l có thể xâm nhập sâu vào nội đồng 70km ở sông VCĐ (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) và 80km ở VCT (TP.Tân An).

PV: Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn, chúng ta có những giải pháp gì để phòng, chống cũng như giữ nước trữ ngọt, thưa ông?

Ông Võ Kim Thuần: Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh có những biện pháp chủ động tập trung thực hiện công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn: Tăng cường theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về tình hình khí tượng - thủy văn, xâm nhập mặn phổ biến cho người dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt; chủ động triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai với mục tiêu giảm tối đa thiệt hại do tác động tiêu cực của hạn, xâm nhập mặn đến sản xuất và đời sống của người dân; kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi đầu mối, khắc phục tình hình rò rỉ nước mặn vào nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất; kiểm tra, theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết về nguồn nước, trữ nước, phát huy công suất trạm bơm điện nhỏ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch và kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, bảo đảm tưới, tiêu.

Rà soát, rút kinh nghiệm từ diễn biến xâm nhập mặn thực tế mùa khô năm 2016, đề xuất đầu tư thi công các công trình ngăn mặn trước mắt và lâu dài. Triển khai tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi cấp thiết phục vụ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn nhằm cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Liên hệ Ban Quản lý hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng lượng nước xả xuống sông VCĐ để kịp thời đẩy mặn.

PV: Thưa ông, bên cạnh việc phòng, chống hạn, mặn, chúng ta có những khuyến cáo gì cho nông dân trong sản xuất?

Ông Võ Kim Thuần: Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 466/SNN-CCTTBVTV, ngày 21/02/2017, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Lưu ý, đầu vụ Hè Thu năm 2017 sẽ xuất hiện phèn mạnh, cần có biện pháp xử lý vôi, phân lân bảo đảm đủ. Nông dân cần chủ động giữ nước trên đồng ruộng để trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sử dụng nước tiết kiệm, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước nội đồng.

Đặc biệt lưu ý, không xuống giống lúa Hè Thu sớm vì lượng nước cần phục vụ sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2017, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cơ hội cho rầy nâu, sâu năn tiếp tục gây hại trên lúa Hè Thu chính vụ, làm cho việc quản lý mùa vụ khó khăn hơn. Dự kiến thời vụ xuống giống các huyện Đồng Tháp Mười: Đợt 1 từ ngày 07 - 17/4/2017; đợt 2 từ ngày 05 - 15/5/2017; đợt 3 từ ngày 02 - 12/6/2017. Đối với những vùng không chủ động được nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có. Dự kiến thời vụ xuống giống các huyện phía Nam: Đợt 1 từ ngày 05 - 15/5/2017; đợt 2 từ ngày 02 - 12/6/2017.

Cơ cấu giống, ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, Nếp, RVT, Nàng hoa 9, OM 6976, Jasmine 85,... Sử dụng các giống lúa chịu hạn, phèn, mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Tiếp tục chuyển đổi cây trồng cạn trên đất trồng lúa bị hạn, mặn, trồng lúa kém hiệu quả; sử dụng các giống cây có khả năng chịu hạn tốt, lựa chọn các giống cây trồng chịu hạn, mặn, sử dụng ít nước.

Khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn ướt - khô xen kẽ, nhỏ giọt, phun mưa,..., điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết