Tiếng Việt | English

08/05/2017 - 17:32

Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Vụ Đông Xuân 2016-2017, do ảnh hưởng của những cơn mưa lớn trái mùa nên nguồn nước phục vụ sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều. Vụ Hè Thu 2017, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ được 79.606ha, đạt 36% so với kế hoạch, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, người dân cũng cần chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vì phần lớn ở các huyện phía Nam, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc nước mưa. Hiện nay, các huyện tăng cường công tác tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống hạn, mặn để sản xuất hiệu quả.

Nạo vét kênh phục vụ công tác phòng, chống xâm nhập mặn

Tại các huyện diễn ra đợt tập huấn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, nhằm hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra. Huyện Cần Đước, tỉnh Long An cũng tổ chức các đợt tuyên truyền với khẩu hiệu “Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy có thể xảy ra bất ngờ, mỗi người dân cần chủ động để có biện pháp ứng phó kịp thời”. Qua các đợt tuyên truyền góp phần cung cấp thông tin cần thiết về tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đến các hộ dân.

Theo chị Đỗ Thị Hồng Liên - cán bộ truyền thông trên địa bàn huyện, có nhiều cách thức khác nhau để tuyên truyền cho người dân: Họp nhóm tại ấp, thông qua các hội thảo do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phát động, đi trực tiếp từng hộ dân. Tuy vất vả do thời tiết nắng nóng, địa bàn rộng, lực lượng tham gia truyền thông mỏng nhưng đa số các xã hoàn thành nhiệm vụ trong công tác truyền thông tại ấp. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc luôn sẵn sàng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, cán bộ phụ trách công tác truyền thông trên địa bàn tuyên truyền cho gần 17.000 hộ dân tại 17 xã, thị trấn của huyện Cần Đước.

Chị Huỳnh Thị Diễm (xã Long Định, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Nhờ công tác tuyên truyền, người dân ý thức hơn trong việc chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn để sản xuất hiệu quả. Các câu hỏi được cán bộ truyền thông thông tin cho các hộ dân rất gần gũi và dễ hiểu”.

Kiểm tra, theo dõi độ mặn trên các tuyến kênh

Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Để bảo đảm phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh tập trung thực hiện các công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn: Tăng cường theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về tình hình khí tượng - thủy văn; chủ động triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai với mục tiêu giảm đến mức tối đa thiệt hại; gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi đầu mối; khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước nội đồng; liên hệ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng lượng nước xả xuống sông Vàm Cỏ Đông để kịp thời đẩy mặn,...”./.

Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l đến cống Xóm Bồ - Cần Đước, cách sông Soài Rạp khoảng 43km (năm 2016 vượt qua Cầu Đức Huệ - huyện Đức Huệ, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 130km). Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1g/l gần đến cống Sông Cui, cách sông Soài Rạp khoảng 42km (năm 2016 vượt qua ngã 3 Tuyên Nhơn - huyện Thạnh Hóa, cách sông Soài Rạp khoảng 110km). Theo dự báo, trong vài ngày tới, khả năng độ mặn tiếp tục tăng nhẹ do ảnh hưởng của kỳ triều cường.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết