Tiếng Việt | English

10/01/2018 - 02:35

Chủ động phòng, chống sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân

Đông Xuân (ĐX) là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao so với các vụ lúa còn lại. Để ruộng lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ và ít sâu, bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân những giải pháp phòng trị sâu, bệnh kịp thời cho vụ lúa ĐX 2017-2018.

Khả năng xuất hiện sâu, bệnh

Hiện nay, toàn tỉnh gieo sạ 191.113ha lúa ĐX 2017-2018, đạt 82% kế hoạch (233.120ha), trong đó, nông dân thu hoạch 1.433ha.

Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh

Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên lúa ĐX 2017-2018 hiện có 1.996ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng 417ha so với tuần trước, bệnh xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng, tập trung ở các huyện: Thủ Thừa, Đức Huệ, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường; 1.706ha bị ốc bươu vàng cắn phá, tăng 1.244ha so với tuần trước, mật độ phổ biến 1-3 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở các huyện: Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Ngoài ra, có 725ha nhiễm rầy nâu, 380ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, 242,8ha nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, 139ha bị chuột phá hại, 110ha bị sâu cuốn lá,...

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, tuần tới, rầy nâu nở rộ, đa số tuổi 1-2; riêng ở Cần Giuộc, rầy tuổi 4-5. Diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá gia tăng, xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh. Bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt phát sinh rải rác trên lúa đòng trổ - chín ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Sâu cuốn lá gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Bến Lức, Tân Hưng và Vĩnh Hưng, đa số sâu ở tuổi 2-3. Ốc bươu vàng cắn phá trên lúa mới sạ - mạ, trong đó, ở những vùng trũng, thấp hoặc ngập do triều cường, khả năng ốc bươu vàng tập trung mật độ cao. Bọ trĩ xuất hiện ở huyện Đức Hòa và Tân Hưng gây hại mạnh ở những vùng gò cao. Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, diện tích nhiễm gia tăng ở huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Sâu năn xuất hiện rải rác ở các huyện: Thạnh Hóa, Tân Hưng và Vĩnh Hưng.

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh

Trước tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế thiệt hại, các huyện tập trung khuyến cáo nông dân chủ động trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu cho biết: “Toàn huyện gieo sạ trên 14.900ha lúa ĐX 2017-2018. Phần lớn nông dân tuân thủ lịch thời vụ nên trà lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động phòng, chống sâu, bệnh trên lúa nhằm hạn chế thiệt hại”.

Ông Võ Văn Phúc (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Vụ ĐX năm nay, nhờ tuân thủ lịch thời vụ nên lúa phát triển tương đối tốt. Tình hình sâu, bệnh cũng hạn chế rất nhiều”.

Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương có diện tích gieo sạ lúa ĐX nhiều nhất tỉnh với 21.700ha. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, so với những vụ trước, vụ ĐX năm nay, nông dân sản xuất tương đối hiệu quả, do chủ động phòng trừ sâu, bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế sự bộc phát bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa ĐX 2017-2018 cũng như tránh nguy cơ thiệt hại do sâu, bệnh khác gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương: Trước khi gieo sạ cần tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... và cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học: Trichoderma, Sumitri, Dascella,... giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, đồng thời cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan; kiên quyết chỉ đạo xuống giống tập trung trong từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy, không gieo sạ tự phát, phân tán, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần. Đây là biện pháp quan trọng, có tính quyết định sự xuất hiện và gây hại của sâu, bệnh cũng như tỷ lệ vàng lùn - lùn xoắn lá nặng hay nhẹ trên đồng ruộng. Căn cứ lịch gieo sạ, các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu vào đèn để xác định thời vụ gieo sạ trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đặc biệt, các huyện phía Nam chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn có thể gây thiếu nước cuối vụ.

Nông dân chăm sóc lúa Đông Xuân

Nông dân chăm sóc lúa Đông Xuân

Ngoài ra, các địa phương ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý các loại giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; tăng cường sử dụng giống xác nhận và khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 100-120kg/ha nhằm hưởng ứng chương trình “Giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ NN&PTNT phát động; hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm các dịch hại trên cây lúa và có biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả; vận động nông dân nhổ và tiêu hủy khi thấy bệnh vàng lùn - vàng xoắn lá xuất hiện trên cây lúa để tránh lây lan trên diện rộng.

Cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, đẩy mạnh tập huấn để nông dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết