Tiếng Việt | English

04/07/2019 - 10:25

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trước mùa dịch

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để bệnh SXH gia tăng. Chính vì thế, ngành y tế tỉnh Long An chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh.

Diệt lăng quăng phòng bệnh

Cần Đước là địa bàn phát triển công nghiệp, có dân nhập cư đông nên huyện luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh SXH nói riêng. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn chú trọng giám sát, cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày. Mỗi xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và đội phản ứng nhanh nhằm xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Công tác truyền thông được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm Y tế huyện còn tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp hội đồng người bệnh; tại các buồng bệnh và phát thanh mỗi buổi sáng tại trung tâm. Lực lượng cộng tác viên 17 xã, thị trấn thường xuyên vãng gia đến từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân biện pháp phòng bệnh.

Ra quân phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhận thức của người dân được nâng cao. Bà Trần Thị Dứt (ấp 4, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) cho biết: “Mùa mưa là thời điểm bệnh SXH tăng cao nên gia đình tôi diệt lăng quăng, muỗi và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết. Khi có triệu chứng sốt thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm chứ không tự mua thuốc uống”.

Ngoài ra, huyện vừa thực hiện xong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH trên toàn địa bàn nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH năm 2019. Theo đó, 17 xã, thị trấn triển khai diệt lăng quăng vòng 1 và kêu gọi người dân chung tay diệt lăng quăng, muỗi vằn, vệ sinh nhà ở, môi trường,... Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - y sĩ Lê Văn Lanh cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện ghi nhận 109 ca mắc bệnh SXH (tăng 60,6% so cùng kỳ); 18 ổ dịch SXH nhỏ và đều được xử lý triệt để. Tuy nhiên, huyện ghi nhận 30 trường hợp sốt phát ban dạng sởi ở người có độ tuổi từ 25-30 tuổi, trong đó có 3 ca dương tính, tăng 100% so cùng kỳ”.

Tại huyện Bến Lức, công tác tuyên truyền, vãng gia đến từng hộ gia đình được chú trọng nhằm hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Y tế huyện thực hiện 2 đợt diệt lăng quăng tại các địa phương có ca mắc và ổ dịch cao như thị trấn Bến Lức, xã Nhựt Chánh, Mỹ Yên, Long Hiệp, Phước Lợi, Thạnh Đức.

Thường xuyên súc rửa bình hoa để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết

Thường xuyên súc rửa bình hoa để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết

Bà Nguyễn Thị Bích Duyên (khu phố 3, thị trấn Bến Lức) cho biết: “Tôi thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa bình hoa và các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng. Ngoài ra, tôi còn mặc quần áo dài, bôi thuốc chống muỗi, ngủ mùng để phòng muỗi đốt”. Tuy nhiên, không ít hộ dân chưa chủ động vệ sinh môi trường, chưa loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bến Lức ghi nhận 90 ổ dịch; 362 ca mắc SXH. Số ca mắc tăng 4,4 lần so cùng kỳ năm 2018.

Chủ động phòng, chống

Từ đầu năm 2019 đến nay, TP.Tân An ghi nhận 180 ca mắc SXH, tăng 3,6 lần; 26 ổ dịch, tăng 18 ổ dịch so cùng kỳ năm 2018. Địa phương có nhiều ổ dịch là phường Khánh Hậu, phường 2 và phường 5. Nguyên nhân ca mắc SXH tăng cao là TP.Tân An có dân số đông, tỷ lệ dân nhập cư cao dẫn đến có nhiều ca mắc ngoại lai. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống bệnh SXH của một số hộ dân chưa cao. Qua thực tế giám sát véc-tơ SXH, cán bộ y tế ghi nhận nhiều hộ dân vẫn để dụng cụ chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà ở.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị

Một nguyên nhân khác khiến số ổ dịch SXH tăng so với năm 2018 là bắt đầu từ năm 2019, các cơ sở y tế đẩy mạnh thực hiện test nhanh đối với bệnh nhân mắc SXH (chỉ cần 1 ca test dương tính là xác định 1 ổ dịch). Theo ghi nhận của Trạm Y tế phường 5, từ đầu năm 2019 đến nay, phường có 23 ca mắc SXH (tăng 21 ca so cùng kỳ), 3 ổ dịch tại khu phố Phú Nhơn và Bình Phú. Với 24 cộng tác viên y tế bao phủ 7 khu phố, công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phường được tích cực thực hiện.

Cộng tác viên y tế phường 5 - Trần Thị Ngọc Thủy cho biết: “Tôi thường xuyên vãng gia từng hộ gia đình tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ bướm hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống, cách phát hiện, xử lý khi phát hiện người nghi mắc SXH. Đồng thời, vận động người dân loại bỏ các vật phế thải đọng nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước,...”.

Qua tuyên truyền, người dân hiểu đúng hơn về tác hại của bệnh SXH, từ đó, chủ động phòng, chống bệnh. Ông Phan Văn Hoanh (khu phố Phú Nhơn, phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Nhà tôi có trẻ em nên khi được sự hướng dẫn của cộng tác viên y tế, tôi cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày cũng như mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt”.

Cộng tác viên y tế phát tờ rơi, tờ bướm hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay đã vào mùa mưa, theo dự báo, nguy cơ bùng phát dịch SXH trong thời gian sắp tới là rất cao. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế TP.Tân An tăng cường phun thuốc, tổ chức các đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương có số ca mắc cao. Giám đốc Trung tâm y tế TP.Tân An - bác sĩ Lê Văn Tuấn đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ ngành y tế trong việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Cụ thể, tổ chức phát quang bụi rậm, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của SXH và các biện pháp phòng, chống.

Bệnh SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt và diệt muỗi. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng cộng tác viên dân số, y tế tích cực hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy trong dụng cụ chứa nước với phương châm “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”. Để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả cao, người dân chủ động phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi./.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Long An ghi nhận 1.803 ca mắc sốt xuất huyết (1.533 ca nội trú, 270 ca ngoại trú), tăng gấp 3,2 lần so cùng kỳ năm 2018 (569 ca); 358 ổ dịch, xử lý 344/358 ổ dịch, đạt 96%. Địa phương có số ca mắc cao là các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Quang Nguyên - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích