Tiếng Việt | English

20/05/2019 - 08:43

Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão

Hiện nay, địa bàn tỉnh Long An đang giao thời giữa hai mùa mưa - nắng. Những cơn mưa đầu mùa xảy ra kèm theo hiện tượng lốc xoáy, mưa đá gây tâm lý lo ngại trong nhân dân. 

Dự báo năm 2019, tình hình khí tượng - thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở,... tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) năm 2019.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, chính quyền các địa phương kiện toàn tổ chức, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, bảo đảm kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Tiếp tục rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT và TKCN phù hợp thực tế địa phương, triển khai thực hiện phương án ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn theo từng cấp độ rủi ro thiên tai. Rà soát, chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai, có phương án bảo đảm an toàn cho các hộ dân khi có tình huống xấu.

Song song đó, tiếp tục củng cố lực lượng, nâng cấp phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCTT, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, lực lượng thanh niên xung kích, đội cứu hộ, cứu nạn,... để chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác,... đến từng ấp, xã, đặc biệt là những vùng thưa dân cư dễ bị chia cắt khi có mưa, lũ. Tăng cường quản lý việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, các hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven sông,... bảo đảm hạn chế tác động do thiên tai. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình đầu mối, đê bao, các thiết bị phục vụ vận hành trong mùa lũ, phương tiện, vật tư dự phòng nhằm chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa, bão, lũ. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép và các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Mặt khác, bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo hoạt động thông suốt. Có kế hoạch bảo đảm giao thông thông suốt các tuyến đường trọng điểm của tỉnh khi xảy ra thiên tai. Rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động của phương tiện vận tải thủy, nhất là các phương tiện vận chuyển hành khách qua kênh, sông. Kịp thời sửa chữa hệ thống giao thông đường bộ khi có sự cố, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vận tải thủy, bộ để hỗ trợ di tản, cứu hộ khi cần thiết.

Năm 2019, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra những thách thức lớn cho đất nước ta trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy tuần lễ từ ngày 15-5 đến 22-5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia PCTT. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT vừa tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Qua đây, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTT, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Tuyên truyền sâu, rộng các quy định của pháp luật, kiến thức về PCTT cho người dân, tạo được sự đồng thuận, ý thức chủ động của nhân dân trong PCTT./.

Kim Quy

 

Chia sẻ bài viết