Tiếng Việt | English

17/05/2017 - 16:09

Chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí

Ngày 17/5, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến với 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quán triệt và triển khai Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị cho cán bộ chủ chốt.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh đề nghị quan tâm hơn đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tại hội nghị, cán bộ được quán triệt Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kế hoạch số 33-KH/TU, ngày 22/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị.

Với phương châm “Chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh”, Kế hoạch số 33-KH/TU đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng: Thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp;…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiện toàn cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan có chức năng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí,…

Cán bộ chủ chốt dự quán triệt Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị tại Hội trường Tỉnh ủy

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh yêu cầu các cấp ủy Đảng chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Đồng thời, việc chống tham nhũng, lãng phí phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, đơn vị, địa phương; tập trung giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến công tác phòng, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí, nhất là đầu tư công, mua sắm tài sản công,…; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn dân trên địa bàn tỉnh./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết