Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 10:57

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2016-2017, toàn tỉnh gieo sạ khoảng 234.265ha, đạt 101,2% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích thu hoạch 144.166ha, năng suất khô 57,9 tạ/ha, sản lượng 834.415 tấn. Đồng thời, diện tích lúa Hè Thu 2017 gieo sạ 37.844ha, đạt 17,1% so với kế hoạch, tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Bến Lức,…

Nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng, chủ động phòng trừ sâu bệnh

Trong tuần, giá lúa tươi giảm nhẹ: IR 50404 từ 4.300-5.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần trước; riêng giá lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.000-5.400 đồng/kg, ổn định so với tuần trước. Giá nếp từ 5.200-5.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.

Hiện nay, tình hình sâu, bệnh trên lúa diễn biến phức tạp, nông dân chủ động phòng trị, nhưng số diện tích nhiễm bệnh cũng đáng quan tâm: Rầy nâu diện tích nhiễm 9.295ha, mật độ 750-4.000 con/m2, tăng 320ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn đòng trổ - chín ở các huyện Đồng Tháp Mười và TP.Tân An, tỉnh Long An.

Trong đó, có 6.055ha mật độ 750-1.500 con/m2, 2.950ha mật độ 1.500-3.000 con/m2, 290ha mật độ 3.000-4.000 con/m2. Rầy đa số tuổi 2-4; bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 1.779ha, tỷ lệ bệnh 2-20%, giảm 650ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn trổ - chín tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Trong đó, có 1.249ha tỷ lệ 2-5%, 500ha tỷ lệ 7-10%, 30ha tỷ lệ 10-20%. Ngoài ra, còn có các đối tượng gây hại khác: Cháy bìa lá (1.009ha), đạo ôn lá (827ha), lem lép hạt (751ha), sâu cuốn lá (189ha), vàng lá chín sớm (33ha), chuột (25ha), đốm vằn (20ha) xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ - chín.

Theo ông Nguyễn Hoàng Khánh, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa: “Vụ ĐX đối với chúng tôi là vụ lúa quan trọng nhất trong năm bởi năng suất, sản lượng và chất lượng cao nhất so với các vụ còn lại. Vì vậy, để có được ruộng lúa khỏe, nông dân tập trung phòng trừ sâu, bệnh kịp thời cho lúa khi phát hiện. Hiện nay, bệnh trên cây lúa thường gặp nhất là đạo ôn, khi phát hiện, chúng tôi liền ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm, duy trì mực nước hợp lý và tiến hành xử lý thuốc hóa học khi bệnh chớm xuất hiện, đó là giải pháp tương đối hiệu quả”.

Đến nay, lúa Hè Thu sớm 2017 nhiễm bệnh: Rầy nâu (1.400ha) mật độ 1.500-3.500 con/m2, bệnh đạo ôn lá (400ha) với tỷ lệ bệnh 5-20%, bệnh lem lép hạt (300ha) với tỷ lệ bệnh 3-5%, sâu năn (210ha) tỷ lệ 10-40% và chuột gây hại (40ha) chủ yếu xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở huyện Tân Hưng và Tân Thạnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Hiện nay, ngành tập trung chỉ đạo các trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tập trung bám sát đồng ruộng, đặc biệt chú ý theo dõi các đối tượng: Bệnh đạo ôn, rầy lưng trắng, rầy nâu,... để phun thuốc, phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Hướng dẫn người dân cách lựa chọn đúng thuốc trừ sâu, phun thuốc bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình sâu năn và các đối tượng khác trên lúa ĐX 2016-2017 và Hè Thu 2017 để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt vụ lúa Hè Thu, nông dân cần xuống giống theo lịch thời vụ nhằm hạn chế sâu, bệnh"./. 

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết