Tiếng Việt | English

04/06/2019 - 10:27

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh để có vụ mùa bội thu

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Long An gieo sạ lúa Hè Thu 2019 được 202.143ha, đạt hơn 91% kế hoạch (221.600ha), bằng 102,4% so cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu hoạch gần 14.000ha, năng suất ước 52,5 tạ/ha, sản lượng 73.478 tấn. Để sản xuất vụ Hè Thu đạt hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa.

Giá lúa giảm, lợi nhuận không cao

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, nông dân thu hoạch lúa Hè Thu 2019 gần 14.000ha, tập trung nhiều tại huyện Tân Thạnh và Tân Hưng, năng suất ước 52,5 tạ/ha, sản lượng 73.478 tấn. Giá bán từ 4.000-5.700 đồng/kg, tùy từng loại giống; so với vụ Đông Xuân 2018-2019, giá lúa giảm từ 500-700 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận không cao.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Tân Hưng gieo sạ dứt điểm lúa vụ Hè Thu 2019 với diện tích 37.061ha. Các giống chủ yếu được sử dụng trong vụ này là IR 50404, OM 5451, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, ST24, OM 4900, Jasmine 85,... Số diện tích gieo sạ sớm đã thu hoạch gần 2.000ha, tập trung nhiều tại các xã: Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, năng suất từ 5,5-6 tấn/ha (lúa tươi). Giá lúa dao động từ 4.000-5.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/ha.

Giá lúa sụt giảm, nông dân thu hoạch lúa Hè Thu lợi nhuận không cao

Ông Nguyễn Văn Thơi, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, cho biết, mặc dù thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài làm lúa chậm phát triển, giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu tăng nhưng nhờ chủ động phòng ngừa sâu, bệnh nên năng suất đạt khá. Hơn 10ha lúa của gia đình thu hoạch đợt này gần 6 tấn/ha. Hiện, giá lúa giảm mạnh, giống OM 5451 còn 4.400 đồng/kg, so với vụ Đông Xuân 2018-2019 giảm khoảng 700 đồng/kg nên trung bình mỗi hécta, lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng.

Vụ này, gia đình anh Đặng Chí Thanh, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, canh tác 3ha lúa OM 5451 và nếp. Theo anh Thanh, diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch, năng suất ước khoảng 6 tấn/ha. Hiện, thương lái đặt cọc với giá 4.600 đồng/kg đối với giống OM 5451; 5.500 đồng/kg đối với giống nếp. Với năng suất và giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận ước từ 5-7 triệu đồng/ha.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, vụ Hè Thu 2019, toàn huyện xuống giống 29.500ha, đến thời điểm này, nông dân thu hoạch hơn 7.000ha, tập trung nhiều tại các xã: Tân Ninh, Nhơn Ninh, Tân Thành, Hậu Thạnh Đông; năng suất trung bình 6 tấn/ha. Số diện tích còn lại trong giai đoạn trổ chín, nông dân đang khẩn trương thu hoạch với phương châm lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó.

Nhiều diện tích bị sâu, bệnh gây hại

Đến thời điểm này, nông dân xuống giống được 202.143/221.600ha, đạt hơn 91% kế hoạch gieo sạ toàn vụ, trong đó, giai đoạn mạ 57.888ha, đẻ nhánh 56.402ha, đòng trổ 62.035ha, chín 12.361ha, thu hoạch 13.457ha. Nhiều diện tích lúa Hè Thu bị sâu, bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất.

Tập trung chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện có 2.308ha bị đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Huệ; 1.128ha nhiễm rầy nâu, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ tại các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa và Đức Huệ. Ngoài ra, có 2.060ha bị rầy cánh phấn, mật độ phổ biến 750-2.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở huyện Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, còn có một số bệnh gây hại khác như sâu cuốn lá nhỏ (285ha), ốc bươu vàng (110ha), bệnh đạo ôn cổ bông (78ha), nhện gié (49ha),... xuất hiện tại các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn xuống giống dứt điểm lúa vụ Hè Thu 2019 với diện tích 28.565ha. Trà lúa trong giai đoạn đòng trổ, lúa đang phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết, một số diện tích bị sâu, bệnh gây hại. Hiện có hơn 700ha lúa bị sâu, bệnh; trong đó, 250ha lúa bị đạo ôn lá, tỷ lệ nhiễm 5-10%; 240ha bị sâu cuốn lá, mật độ 10-20 con/m2; 200ha rầy cánh phấn, mật độ 750-1.500 con/m2.

Anh Trần Văn Lít, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, sau khi xuống giống, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, mặc dù thăm đồng thường xuyên, phun thuốc phòng ngừa, nhưng 8ha lúa của gia đình bị sâu cuốn lá tấn công, tỷ lệ khoảng 20%.

Còn tại huyện Tân Hưng, nông dân xuống giống dứt điểm lúa vụ Hè Thu 2019 với diện tích gần 37.000ha (có hơn 1.000ha giai đoạn đẻ nhánh, hơn 20.000ha giai đoạn đòng trổ, gần 3.500ha giai đoạn trổ chín). Sâu, bệnh gây hại chủ yếu là rầy nâu, sâu phao và nhện gié với diện tích gần 700ha; trong đó, rầy nâu gần 300ha, sâu phao 150ha, nhện gié hơn 100ha.

Theo ông Nguyễn Văn Quới, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, 3ha lúa của gia đình xuống giống được hơn 50 ngày tuổi. Trong giai đoạn đầu, lúa phát triển tốt. Những năm trước đây, trong vụ Hè Thu, sâu cuốn lá ít xuất hiện nên vụ này, ông không phun thuốc phòng ngừa. Hiện, toàn bộ diện tích lúa của gia đình bị sâu cuốn lá gây hại, ước tỷ lệ khoảng 40%.

Để có một vụ mùa bội thu

Dự báo tình hình sâu, bệnh trong tuần tới, rầy nâu tuổi 3-5, bệnh đạo ôn lá giảm diện tích nhiễm tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười. Ốc bươu vàng, ngộ độc phèn gia tăng diện tích nhiễm trên lúa mới gieo sạ ở các huyện phía Nam. Bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn trổ chín, tập trung tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười.

Nông dân cần chủ động phòng ngừa sâu, bệnh để có một vụ mùa bội thu

“Trước tình hình sâu, bệnh gây hại trên trà lúa Hè Thu, huyện chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến sâu, bệnh và hướng dẫn, tuyên truyền nông dân phòng trừ có hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, có giải pháp nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất và gia cố các hệ thống đê bao lửng tại các xã vùng thấp để tránh lũ chụp vào cuối vụ” - ông Trần Văn Cường cho biết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đề nghị các địa phương tăng cường điều tra, dự tính, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh gây hại trên đồng ruộng như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá,... Từ đó, hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý, phòng trừ hiệu quả và an toàn, khuyến cáo nông dân cần bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, đặc biệt là rầy nâu mang vi-rút nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tình hình sâu, bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý sâu năn, ốc bươu vàng, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, chuột, bọ trĩ để nông dân chủ động ứng phó. Số diện tích còn lại, nông dân cần chủ động xuống giống theo lịch cơ quan chuyên môn khuyến cáo, cụ thể, đợt 3 từ ngày 10 đến 20/6 cho các huyện phía Nam.

Để có một vụ mùa bội thu, trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng bằng việc thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu, bệnh gây hại để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết