Tiếng Việt | English

03/08/2017 - 10:12

Chủ động ứng phó với lũ

Nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra, những ngày qua, các địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực để ứng phó với lũ.

Sẵn sàng đón lũ

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) được xem là “rốn lũ” của tỉnh. Trong những tuần qua, do kết hợp giữa lũ thượng nguồn, triều cường giữa tháng 6 âm lịch (nhuận) và lượng mưa tại chỗ nên mực nước ở vùng ĐTM lên nhanh. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, dự kiến đến ngày 10/8/2017, mực nước lũ tại các huyện vùng ĐTM có khả năng đạt mức xấp xỉ đỉnh lũ năm 2016. Cụ thể, tại trạm Tân Hưng có khả năng lên 2,2m (cao hơn cùng kỳ 1,21m); trạm Vĩnh Hưng 2,15m (cao hơn cùng kỳ 1,17m); trạm Mộc Hóa (Kiến Tường) 1,4m (cao hơn báo động I là 0,2m; cao hơn cùng kỳ 0,94m). Lũ sẽ gây ngập những vùng trũng thấp tại 2 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường; sau đó có khả năng ít biến đổi.

Chủ động gia cố đê bao bảo vệ lúa, cây trồng

Những ngày qua, mực nước ở các huyện vùng ĐTM lên khoảng từ 2cm/ngày đêm. Nếu mực nước tăng nhanh gây nguy cơ ngập ở các vùng trũng, ven sông, khu vực ngoài đê bao. Ngành chức năng lo ngại, sau mấy năm lũ nhỏ, người dân chủ quan. Do đó, nhiệm vụ quan trọng lúc này của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể là tăng cường tuyên truyền, vận động để mọi người ý thức và sẵn sàng các phương án ứng phó trong suốt mùa mưa, lũ.

Anh Nguyễn Thanh Duy (ngụ phường 3, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) cho biết: “Năm nay, dự báo lũ về sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, bên cạnh việc đón lũ, nông dân luôn cảnh giác đề phòng. Bởi, mùa lũ năm 2011, người dân chủ quan nên một số nơi bị vỡ đê làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, cây trồng khác”.

Trong những tuần qua, lũ về sớm gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm một số diện tích lúa Hè Thu bị ngập và hàng chục ngàn hàng hécta lúa đang nguy cơ bị đe dọa. Ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh – Mai Văn On cho biết: “Diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng lũ của huyện khoảng 2.740ha, tập trung ở các xã: Hậu Thạnh Động, Hậu Thạnh Tây, Bắc Hòa, Tân Lập, Nhơn Hòa Lập. Huyện đang tập trung gia cố các tuyến đê bao. Nếu mực nước cứ tiếp tục tăng thì khoảng vài ngày nữa, có khả năng nước tràn các tuyến đê bao gia cố”.

Tại huyện Thạnh Hóa, bên cạnh lúa thì cây chanh cũng có khả năng bị ảnh hưởng nếu mực lũ tăng cao. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha cho biết: “UBND huyện chỉ đạo các ngành và UBND các xã rà soát, chủ động gia cố đê bao, trạm bơm chuẩn bị ứng phó với lũ sớm. Toàn huyện gieo sạ 19.322ha lúa Hè Thu. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch được 690ha. Hiện tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng lũ sớm ước khoảng 7.500ha, trong đó, diện tích bị ngập khoảng 2.000ha, tập trung ở xã Thạnh Phú, Thạnh Phước, ước tính năng suất giảm khoảng 20%. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các mùa lũ trước, nhất là cơn lũ năm 2011, ngay từ đầu năm, phòng phối hợp UBND các xã, thị trấn khảo sát các công trình thủy lợi xuống cấp để kịp thời gia cố, khắc phục. UBND các xã khẩn trương triển khai gia cố các tuyến đê bao với tổng chiều dài 89.550m, ước tính kinh phí trên 4,5 tỉ đồng. Thuận Bình là xã đầu nguồn của huyện, có khoảng 36ha chanh ngoài vùng đê bao, nếu mực nước lũ tăng cao thì số diện tích này có khả năng bị ảnh hưởng”.

Nhiều diện tích chanh ngoài vùng đê bao có khả năng ảnh hưởng lũ

Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Bình - Nguyễn Văn Tèo, Thuận Bình là vùng chanh trọng điểm của huyện, với diện tích khoảng 236,67ha. Trong đó, có 36ha đang cho trái nằm ngoài vùng đê bao, không bảo đảm an toàn nếu mực nước lũ tiếp tục tăng cao. Hiện nay, xã chủ động phối hợp những hộ dân trồng chanh gia cố đê bao để bảo vệ chanh. Được biết, diện tích chanh này do nông dân tự phát trồng, không nằm trong vùng quy hoạch của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bích (ngụ ấp Gãy, xã Thuận Bình) chia sẻ: “Gia đình tôi có 5ha chanh trồng ngoài vùng đê bao. Chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân trồng ngoài vùng đê bao nhưng do phát triển kinh tế gia đình với lại những năm qua (kể từ đỉnh lũ 2011 đến nay) lũ nhỏ nên gia đình tôi tự phát trồng chanh. Hiện, chúng tôi chủ động gia cố những đoạn đê trọng yếu, để đề phòng lũ tăng nhanh”.

Tại các huyện Đức Huệ, Bến Lức, nông dân cũng chủ động gia cố đê bao bảo vệ diện tích chanh có khả năng bị ảnh hưởng lũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết: “Huyện có khoảng 350ha chanh, tập trung ở xã An Thạnh, Thạnh Lợi, một phần xã Bình Đức. Hiện nay, nông dân trồng chanh ở các xã trên tập trung gia cố đê bao đề phòng lũ tăng cao. UBND huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi tình hình diễn biến lũ, chủ động gia cố đê bao trọng yếu nhằm bảo đảm an toàn diện tích chanh. Nhằm chủ động ứng phó với mưa bão, triều cường, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở và vận động người dân gia cố các tuyến đê bao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các xã còn tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động nâng cấp, gia cố cống đập, đê bao xuống cấp, chuẩn bị các phương tiện cần thiết, đối phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, bảo đảm sinh hoạt và ổn định sản xuất của người dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh (thứ 2, trái qua) chỉ đạo địa phương chủ động phòng, chống lũ sớm

Theo dõi chặt chẽ

Để chủ động ứng phó với tình hình lũ sớm và hạn chế thiệt hại thấp nhất cho nông dân trong sản xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “ Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông, chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, bảo đảm an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái được đê bao, bờ bao bảo vệ. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động thu hoạch lúa Hè Thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng, không có đê bao, bờ bao bảo vệ; kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ, để tổ chức cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn”./.

- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 02/8/2017, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,98m; tại Châu Đốc ở mức 2,35m.

- Hiện nay, các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Đức Huệ,... tập trung gia cố đê bao đề phòng lũ tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Huỳnh Phong 

Chia sẻ bài viết