Tiếng Việt | English

25/05/2020 - 14:03

Chủ động ứng phó với thiên tai

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, tỉnh ta xảy ra bão, giông, lốc, sét, sạt lở; hạn, xâm nhập mặn,… ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Long An nói riêng luôn đối mặt với lũ lụt, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển; sạt lở và tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước,...Những năm gần đây, thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn. Nếu lúc trước, mặn thường xâm nhập từ tháng 02 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 thì những năm gần đây, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 02 hoặc đầu tháng 3. Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân người dân sinh sống ven sông. Trước những thách thức trên, yêu cầu đặt ra là phải liên kết vùng, đầu tư hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm ứng phó với thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn được tổ chức ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương cần quán triệt quan điểm: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, không có thời điểm kết thúc. Khi xảy ra thiên tai, sự cố, chủ động triển khai ứng phó, không chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn là mặt trận không ngưng nghỉ nhằm bảo vệ tính mạng của người dân và thành quả của đất nước./.

Nguyên Thảo

 

Chia sẻ bài viết