Tiếng Việt | English

03/10/2016 - 14:05

Chủ nhà VN giành quá nhiều huy chương ở ABG5

Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã vượt qua các cường quốc thể thao bãi biển châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... để leo lên giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng với 52 HCV tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) bế mạc hôm nay 3/10 ở Đà Nẵng.

Đỗ Thị Thảo giành HCV môn nhảy xa nữ, Điền kinh VN đã giành vượt chỉ tiêu 6 HCV tại ABG5. Ảnh: Nam Khánh
Thành quả này không làm những người làm thể thao vui mừng bởi thực tế số lượng HCV giành được tại ABG5 không đồng nghĩa với sự phát triển của thể thao thành tích cao VN. Trái lại, việc chỉ đặt chỉ tiêu nằm trong tốp đầu nhưng lại giành vị trí số 1 là điều “không lường trước được” của TTVN.

Vì sao đoàn TTVN 
“bội thực” huy chương?

Tham dự ABG5 tại Đà Nẵng, đoàn TTVN có tất cả 320 VĐV tham dự 14/14 môn thi (trừ nội dung bóng nước) và đặt chỉ tiêu giành 18-22 HCV, đứng trong tốp 5 đại hội. Thế nhưng từ những ngày thi đấu đầu tiên đến ngày cuối cùng hôm 2-10, đoàn chủ nhà VN luôn án ngữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng với số lượng HCV tăng chóng mặt! Nhiều môn thi chỉ đặt chỉ tiêu giành 1 HCV nhưng cuối cùng đã giành đến 6 HCV như điền kinh. Hay có môn đoàn TTVN lấy trọn 7/7 HCV như môn vật.

Đánh giá về thành tích của TTVN tại ABG5, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - cho biết: “Nói đến thể thao bãi biển là phải nhắc tới những môn thể thao trên biển như thuyền buồm, lướt ván, dù bay... Nhưng tiếc là chủ nhà VN không có điều kiện để tổ chức các môn thi này vì thiếu tiền, thiếu lực lượng VĐV. Vì không tổ chức được các môn thể thao của biển nên chúng ta đã đưa rất nhiều môn trong nhà thế mạnh của VN như vật, đá cầu, vovinam, võ cổ truyền... vào chương trình thi đấu nên việc giành vị trí số 1 không có gì khó hiểu. Thứ hai, có thể khẳng định ngoài Thái Lan cử lực lượng VĐV mạnh đến ABG5 thì hầu hết các nước đưa ít VĐV đến Đà Nẵng vì họ không coi trọng ABG. Thứ ba, do là chủ nhà nên VN có rất nhiều thuận lợi để giành thành tích”.

Trong khi đó ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cũng cho rằng nguyên nhân khiến chủ nhà VN giành vị trí số 1 là do các quốc gia mạnh không cử lực lượng VĐV có chất lượng đến ABG5. Ông Phấn chia sẻ: “Với tư cách chủ nhà, TTVN đã chuẩn bị lực lượng đông đảo, mạnh, bao gồm nhiều VĐV của các môn trong nhà ra thi đấu tại ABG5. Thế nhưng khi đại hội diễn ra, thực tế cho thấy nhiều quốc gia mạnh không cử VĐV tinh nhuệ đi thi. Vì thế nhiều môn chỉ tiêu của VN rất thấp nhưng cuối cùng giành nhiều HCV. Hay ngay cả môn bóng chuyền bãi biển thì những đội mạnh nhất châu Á cũng không góp mặt”.

Một quan chức của ngành thể thao cho biết việc đoàn TTVN giành vị trí nhất toàn đoàn là “chuyện không lường trước”. Tuy nhiên, vị trí số 1 ABG5 không có nhiều ý nghĩa đối với thể thao bãi biển và thể thao thành tích cao của VN.

Cường quốc thể thao thờ ơ ABG

Nhận định của các ông Nguyễn Hồng Minh và Trần Đức Phấn là sự thật, khi những cường quốc thể thao của châu Á rất thờ ơ với ABG ngay từ khi giải đấu này được thành lập. Cụ thể, tại ABG 2016, đoàn Nhật chỉ cử đi 54 VĐV, trong khi con số này với đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là 62 và 152, kém xa so với 291 của Thái Lan và 320 của VN.

Thái độ thờ ơ, xem nhẹ ABG của các đoàn thể thao lớn càng thể hiện rõ qua việc họ chỉ cử đi những VĐV trẻ hoặc dự bị trên tuyển. Chẳng hạn, HLV Tapsvi Karan Singh Panwar của đội cầu mây Ấn Độ cho biết ông chỉ mang đến ABG 2016 đội hình hai vì đội chính đang phải chuẩn bị cho Giải vô địch cầu mây thế giới sắp diễn ra tại Thái Lan. “Thể thao bãi biển rất được yêu thích tại Ấn Độ, nhưng sự thật thì nó vẫn không thể chuyên nghiệp như các môn thể thao truyền thống. Phần đông VĐV thể thao bãi biển của chúng tôi là từ các môn thể thao trong nhà chuyển sang hoặc chỉ chơi, tập luyện ở trường học” - ông Singh Panwar nói.

Tương tự Ấn Độ, các VĐV của đoàn thể thao Nhật Bản dự ABG đa số là VĐV trẻ hoặc dự bị, không nằm trong đội tuyển quốc gia dự Olympic hoặc Asiad. Ở Asiad 2014, Nhật giành đến 4 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ ở môn vật, còn VN không có huy chương nào. Đến ABG, thành tích này lại đảo ngược khi đội vật của Nhật bị VN bỏ xa về số huy chương. Ông Minoru Tsuitsui, thành viên của Ủy ban Olympic Nhật Bản, cho biết ở Nhật, thể thao bãi biển chủ yếu mang mục đích giải trí và các môn được chú trọng là bóng chuyền, bóng đá, bóng ném..., tức những môn thật sự mang tính “biển”. Trong tổng số 54 VĐV của Nhật dự ABG 2016, có đến 34 VĐV thuộc 3 môn thể thao bãi biển thực thụ này, khác với đoàn TTVN ồ ạt kiếm huy chương từ võ, vật, điền kinh - những môn vốn là “trong nhà mang ra biển”. 

Chưa tìm được chủ nhà ABG 6

Hôm 2-10 đã diễn ra ngày thi đấu cuối cùng của ABG 5. Kết thúc đại hội, đoàn thể thao VN xếp nhất toàn đoàn với cả thảy 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ. Xếp ở vị trí thứ 2 là đoàn Thái Lan với 36 HCV, Trung Quốc xếp thứ 3 với 12 HCV.

Trong buổi lễ bế mạc diễn ra vào tối 3-10, nước chủ nhà VN sẽ “trả cờ” lại cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vì hiện vẫn chưa có quốc gia nào được xác định là chủ nhà tiếp theo cho ABG 6.

“Mọi thắng lợi đều đáng trân trọng, nhưng có những chiến thắng làm bạn bè cười thầm về ta thì ta phải suy nghĩ. Về thể thao, muốn chơi với nhau lâu dài và để bạn nể phục mình thì không nên dùng tiểu xảo"

Ông Hà Quang Dự (nguyên bộ trưởng - chủ nhiệm UBTDTT)

Huy Đăng - Khương Xuân/tuoitre online

Chia sẻ bài viết