Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 12:40

Chữ như gà bới

1. Gà là 1 trong 6 con vật (lục súc) sống gần người, được con người thuần hóa từ mấy ngàn năm trước. Gà có rất nhiều loại, từ xưa, người ta vẫn gọi chung là “gà qué”. Không ai hiểu được nghĩa của “qué” là gì, thành thử có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng đa số cho rằng, “qué” cũng có nghĩa là “gà” trong các tiếng có cùng nguồn gốc với tiếng Việt.

Minh họa: Thiện Mỹ

Là gia cầm được nuôi trong nhà nên hình ảnh con gà gắn với con người thật rõ nét trong văn hóa dân gian Việt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tiếng Việt có gần 250 thành ngữ, tục ngữ liên quan đến gà. Đây là một con số không nhỏ các thành ngữ, tục ngữ nói về một con vật quá quen thuộc, gần gũi với người.

Quả thật, người Việt xưa quá “ưu ái” giống loài gáy “ò, ó, o...” và kêu “cục ta, cục tác” này nên gọi phân biệt là “gà trống (sống)” và “gà mái” còn “đực” và “cái” thì dành cho 5 con còn lại trong hàng lục súc: Chó, heo, trâu/bò, dê, ngựa.

Có lẽ trong nhận thức của người Việt xưa, “đực” và “cái” có vẻ “kém cỏi” hơn “trống”, “mái”, thành ra khi bình phẩm giọng nói của ai đó không tốt thì nói “giọng ồn ồn như vịt đực” hay “quàng quạc như vịt cái”, thay vì phải nói theo cách nói hàng ngày là “vịt trống”, “vịt mái”!

Cũng chính bởi con gà quá gần gũi nên người Việt xưa (mà cũng có thể cả ngày nay) khéo léo mượn hình ảnh gà để nói về mọi vấn đề, mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chẳng hạn, người ta nuôi gà trong nhà để khi khách đến nhà không gà thì vịt nhằm đối đáp đúng lễ nghĩa; còn khi nói về thói đời hay xưng tôn kẻ quyền thế thì có Bà huyện chết thì khách đầy nhà, ông huyện chết thì có gà đầy sân; để chê bai những người ỷ vào thế thuận lợi của mình mà hung hăng đối với người khác thì người ta nói Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng; cần phê phán những người không có tài năng mà còn tìm cách thu lợi từ những người quanh mình thì người ta dùng Gà què ăn quẩn cối xay; còn nếu như trong tình huống không có người chỉ huy, người ta dễ làm bậy thì có câu Vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm; hoặc chê người đần độn và chậm chạp thì ví Ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như đom đóm đực,...

Trong xã hội hiện đại, chúng ta có cụm từ gà công nghiệp dùng để ám chỉ lớp người được đào tạo rập khuôn, thiếu kỹ năng sống (do gà công nghiệp là loại gà nhốt thành bầy, được ăn theo tiêu chuẩn, chăm sóc kỹ, thịt không ngon chứ không được thả rông như gà thả, gà vườn, gà đi bộ, gà sạch, gà nhà).

Thời bao cấp có câu Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà dùng để châm biếm người lái máy cày hay vòi ăn sang, trong khi người nông dân phải chịu tốn kém,... Và trong vô vàn những điều mà người ta dùng để nói về người qua hình ảnh con gà ấy, chẳng may những người viết chữ xấu lại bị chê là Chữ như gà bới!

Để giải thích nguồn gốc thành ngữ Chữ như gà bới, người ta dựa vào những lý giải khác nhau, kể cả dùng chuyện dân gian.

Chuyện kể rằng, khi xưa, tại nhà một phú ông nọ, buổi tối, cậu ấm con phú ông ngồi đọc bài ra rả. Con bò nghe tiếng đọc bài không ngủ được, bực tức nói với con gà:

- Thằng này nó đi thi thì mày chết trước. Nó thi đỗ thì tao chết sau. Mầy biết sao không?

Gà ra chừng không hiểu, bò liền giải thích:

- Khi nó đi thi thì chắc ông chủ sẽ giết mày làm lễ cáo tổ. Còn như nó thi đỗ thì chắc tao không sống được, nó khao cả làng!

Con gà bèn nói:

- Mày ngủ hoài nên không biết, chứ tao thức nên tao biết cả. Này nhé, nó học cũng chỉ như mày, mà nó viết cũng chỉ như tao, chắc nó không dám vác lều chõng đi thi đâu mà sợ!

- Học như tao, viết như mày là thế nào? - Bò hỏi.

Gà đáp:

- Học dốt như mày thì ai chả biết. Còn viết như tao, thì mày cứ xem tao bới như thế nào thì nó viết như thế!

Hóa ra, do cái tính hay bới đất lung tung của gà mà người ta ví chữ viết nguệch ngoạc, không thành hàng là như gà bới. Tội cho gà, bởi “bới” (hay “bươi”) là đặc trưng, là bản năng của giống loài này mà! Bằng chứng là người Việt cũng nói “Bàn tay gà bới thì khó, bàn tay chó bới thì giàu” (người có tay như gà thì nghèo khó), Gà chê thóc không bới thì người mới chê tiền, Gà nhà lại bươi bếp nhà, Chân gà lại bới ruột gà, Đống thóc nhà đừng để cho gà người bới, Hoài thóc ta cho gà người bới,... Vậy, gà không có lỗi gì trong chuyện “bươi móc”, vì nếu không bới, không bươi thì làm sao gà có thể nuôi được chín, mười “đứa” con:

Con rắn không chân nó đi năm rừng, bảy rú.

Con gà không vú, nuôi chín mười con.

Phải chi nhan sắc em còn,

Em vô chốn đó, em bị đòn cũng cam.

(Gò Công Tây - Tiền Giang)

Gà không có lỗi, vậy chữ viết thế nào mới không bị ví như gà bới?

2. Như ta biết, con người biết nói trước khi biết viết, điều này có nghĩa, chữ viết ra đời muộn hơn nhiều so với ngôn ngữ nói.

Chữ viết được cho là ra đời khi con người biết chế tạo ra dụng cụ bằng sắt, tức là vào giai đoạn chuyển qua thời đại văn minh. Người ta tìm thấy nhiều dấu vết xa xưa nhất của loại hình chữ viết bằng hình vẽ, ra đời vào khoảng 8 ngàn năm trước công nguyên. Với mục đích truyền đạt ý tưởng của con người thông qua hình ảnh biểu thị, chữ viết đầu tiên là những nét sơ khai và ngày càng hoàn thiện về sau.

Như vậy, chữ viết là hệ thống ký hiệu dùng để ghi âm lời nói lúc đầu, sau đó dần trở thành một hệ thống độc lập. Có nhiều loại chữ viết khác nhau: Chữ ghi âm, chữ viết tượng hình (chữ ghi ý),... Người ta nói, hệ thống chữ viết là tài sản chung của xã hội.

Chữ viết tiếng Việt hiện nay thuộc hệ thống chữ La-tinh, là loại chữ ghi âm. Sau mấy trăm năm hình thành và phát triển, chữ viết của ta là một hệ thống biểu hiện âm thanh lời nói hoàn chỉnh. Người xưa nói “Nét chữ, nết người”, “Văn hay chữ tốt”, “Chữ như rồng bay phượng múa” để tôn vinh cái đẹp của con chữ, tài sản quý báu của xã hội.

Tôi nhớ thuở còn đi học, vào những năm học đầu đời cách nay hơn nửa thế kỷ, thầy cô của tôi rất chú ý rèn chữ cho bọn học trò đầu cấp. Hồi đó, chúng tôi khổ sở với ngòi bút lá tre và cán bút gỗ khi viết, lại còn bình mực bằng nhựa luôn kè kè theo mình đến lớp, rồi phải nắn nót nét thanh - nét đậm, cố vòng chữ sao cho cái nét bầu của chữ “b”, “h”, “l”, “k”, “g” phải tròn đẹp, cái móc trên chữ “ư”, “ơ” sao cho thanh rõ; cái mũ của “ê”, “â” phải nhẹ nhàng, thanh thoát. Bàn tay tôi cũng không ít lần hằn in vết thước khẻ của thầy cô vì tội viết dối.

Ấy vậy mà mười mấy năm sau vào quân đội, tôi được chọn làm nhân viên quân lực, văn thư tiểu đoàn rồi nhân viên đồ bản, đỡ vất vả hơn đồng đội khác vì chữ viết của tôi được đánh giá là “được được, đều đặn, ngay hàng thẳng lối”; rồi vào đại học, rồi làm giáo viên, tôi càng nhận thức hơn: Chữ viết đẹp cho ta nhiều cảm hứng khi viết, cho ta cảm xúc thẩm mỹ hơn khi đặt bút xuống viết một cái gì đó.

Xã hội ngày nay tiến bộ hơn xưa gấp nhiều lần. Các phương tiện diễn đạt ngôn ngữ viết ngày càng hiện đại hơn, con người sống vội vã hơn. Bàn phím máy tính giúp con người viết nhanh hơn với tiếng lách tách vui tai, cho ra đời những văn bản giống nhau của font chữ Times New Roman, Arial, Tahoma,... chúng không khác gì gà công nghiệp! Ấy vậy mà bên cạnh cây bút bi, bút lông kim, tôi vẫn giữ cây bút lá tre với lọ mực đen và viết mỗi khi mình thích. Tiếc là cây bút lá tre mà tôi đang dùng không phải của nước mình sản xuất vì từ lâu, người ta không làm ra nó nữa, mà là cây bút lá tre mang mác của South Korea, của China.

Được một điều rất vui là thỉnh thoảng cũng có bạn bè, đồng nghiệp đến “xin chữ” bằng cách nhờ chép lại giúp một bài thơ hay mà họ thích hoặc nhờ viết giùm một đoạn văn mà họ tâm đắc bằng dòng chữ của cây bút lá tre. Vui hơn nữa là hiện nay, ngày càng có nhiều lò luyện chữ viết ra đời, có những nhãn hiệu bút mài nổi tiếng để người ta viết chữ đẹp hơn hoặc có nhiều cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” nâng ý thức rèn chữ của nhiều người, người ta vẫn đề cao việc viết chữ đẹp. Thế cho nên, con gà giờ đây không còn đơn độc nữa khi bị so sánh với chữ viết không ngay hàng thẳng lối bởi gà có đồng minh thuộc giai tầng “cao cấp” và “thứ cấp” vì ngoài câu Chữ như gà bới thì người ta còn nói Chữ như chữ bác sĩ, Chữ như cua bò sàng!

Gió xuân đang đến, lòng người đang rộn rã. Bằng cây bút lá tre quen thuộc, tôi đang nắn nót viết câu Chúc mừng năm mới, Đinh Dậu 2017 - Kính chúc nhà nhà an khang, thịnh vượng lên những tấm thiệp xuân gửi đến bạn bè./.

Tiến sĩ Trần Văn Tiếng (Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)

Chia sẻ bài viết