Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 20:26

Chủ tịch nước gặp mặt 58 đại biểu trẻ em hoàn cảnh đặc biệt

58 em dự buổi gặp mặt năm nay đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh...

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) và hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2017, chiều 26/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt 58 học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các vùng, miền trong cả nước.

Chủ tịch nước gặp mặt học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, trong số 26 triệu trẻ em nước ta còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Được sự đồng ý của Chủ tịch nước, từ tháng 6 năm 2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hàng năm tổ chức chương trình Chủ tịch nước gặp mặt, tuyên dương trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu.

Từ năm 2008 đến năm 2016, có 480 trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố đã được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương tại Phủ Chủ tịch. Trong tổng số 480 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã tham dự chương trình, có 145 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, 90 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 12 trẻ em là trẻ bị bỏ rơi, 20 trẻ khuyết tật.

Các trẻ em tham dự chương trình đều có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; thuộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo. Mặc dù sống trong điều kiện rất khó khăn, nhưng các em đều có ý thức phấn đấu, vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện.

Trong tổng số 58 em dự buổi gặp mặt năm nay đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh... Bên cạnh thành tích học tập, một số em còn đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu như đọc thơ, vẽ tranh, kể truyện, thi khéo tay, thể dục thể thao... Ngoài thời gian học tập, đa số các em còn phụ giúp gia đình làm việc để trang trải cuộc sống.


Chủ tịch nước nhận quà của các học sinh tiêu biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cháu học sinh, sinh viên tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Chủ tịch nước nêu rõ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, là vấn đề có tính chiến lược. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã từng bước được hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được các cấp, các ngành chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.


Chủ tịch nước phát biểu tại buổi gặp mặt

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là sự ưu việt trong chính sách của đất nước, chế độ chúng ta. Trẻ em được ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt đã được khẳng định trong đường lối, chính sách và trong từng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em”.

Chủ tịch nước cho rằng, đạt được kết quả trên là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường, xã hội và nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện của trẻ em, trong đó có các cháu học sinh, sinh viên tiêu biểu có mặt tại đây hôm nay. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trong 25 năm qua đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp gần 5.500 tỉ đồng, hỗ trợ trên 30 triệu lượt trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, giúp mơ ước của nhiều trẻ em thiệt thòi trở thành hiện thực.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó cần kịp thời tuyên truyền, cổ vũ các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền của trẻ em, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Phải tiếp tục quan tâm xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, dịch bệnh, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo. Chú trọng xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời chú trọng, khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ các hoạt động và công trình dành cho trẻ em”.

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các học sinh, sinh viên tiêu biểu

Chủ tịch nước đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức quỹ các cấp, phấn đấu để quỹ thực sự trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy của trẻ em Việt Nam.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em./.

Việt Cường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết