Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 07:39

Chủ tịch Quốc hội: “Không phải có quyền rồi muốn làm gì thì làm”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này khi thảo luận về việc giao thêm cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

 “Mở rộng lại có quyền bắt người thì phức tạp”

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tại phiên họp 40, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ xem xét bổ sung thẩm quyền đối với Kiểm ngư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, điều tra của ngành công an là độc lập. Việc giao nhiều cơ quan có thẩm quyền điều tra dễ gây đan chéo.

“Nếu cơ quan Thuế và Uỷ ban chứng khoán cần được trao quyền điều tra ban đầu thì cơ quan thanh tra cũng cần chứ? Tôi thấy chưa phải cần thiết. Thêm lắm lại có quyền bắt người rồi phức tạp. Các cơ quan phải độc lập, đừng lấn chân nhau”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Đồng tình trao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho Kiểm ngư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Riêng Kiểm ngư cần làm ngay vì còn liên quan bảo vệ chủ quyền, rồi xử lý không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài trên biển. Tuy vậy cần giao đúng đặc điểm tình hình hoạt động bởi biển mênh mông mà tìm anh công an gì đó rất khó khăn”.

Nhấn mạnh luật liên quan đến tổ chức bộ máy thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phải rõ, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Anh có quyền lớn nhưng anh vi phạm, làm sai thì phải chịu trách nhiệm chính. Luật phải ghi rõ, không phải có quyền rồi muốn làm gì thì làm. Ai xem xét trách nhiệm này cũng cần thể hiện”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Doãn Khánh- Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng việc bố trí thêm đầu mối có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm bổ khuyết và khắc phục hạn chế do điều kiện đặc thù của cơ quan điều tra trinh sát như ở hải đảo xa xôi để đáp ứng yêu cầu. Ở nơi có cơ quan điều tra chuyên trách thì không nên giao.

“Giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan Thuế và Uỷ ban Chứng khoán là không hợp vì nhiều cơ quan trên thực tế còn phức tạp hơn như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... Nên chăng vấn đề ở đây là phối hợp. Tăng thêm vừa chồng chéo chức năng và không tinh gọn đầu mối theo quan điểm của Bộ Chính trị”, ông Khánh nêu quan điểm.

Lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết Thường trực Uỷ ban tán thành việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hai Cục Cảnh sát liên quan đến tội phạm tham nhũng và kinh tế đã có sự ổn định và độc lập. Giờ nếu nhập lại thành một Cục và đổi tên thì sẽ có cơ quan khác của nhà nước liên quan. Luật này không nên dễ dàng sửa Luật công an nhân dân.

Về thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: trên thực tế tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, trốn thuế, chuyển giá, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và dự báo trong thời gian tới vẫn tiếp tục gia tăng. Tội phạm về buôn lậu không chỉ gia tăng trong phạm vi quốc gia mà còn có tính chất xuyên quốc gia. Vì vậy, cần thiết phải có Cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an nhân dân đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.


Ông Nguyễn Doãn Khánh- Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, vấn đề này cần cân nhắc vì việc thành lập nên hướng đến điều tra một nhóm tội phạm chứ không phải vì một tội phạm.

Về đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, ông Nguyễn Doãn Khánh đồng tình vì cho rằng loại tội phạm này ngày càng phức tạp, nguy cơ cao.

Ngoài ra, ông Khánh đề nghị cần đặt cơ quan cảnh sát này là cơ quan điều tra chính thức mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm công nghệ cao, chứ không chỉ dừng ở việc giao một số hoạt động điều tra./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết