Tiếng Việt | English

17/11/2019 - 11:01

Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trương Hòa Bình dự Lễ hội dừa tại Bến Tre

Tối 16/11, tại tỉnh Bến Tre, Lễ hội dừa lần V năm 2019 chính thức khai mạc.

Các đồng chí lãnh lãnh đạo dự Lễ hội dừa lần V tại Bến Tre

Đến dự có Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ - Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo tỉnh Long An cùng đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội dừa diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/11 bao gồm các hoạt động chính: Hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm từ dừa, liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ, liên hoan chế biến các món ăn từ nguyên liệu dừa, đấu xảo sản phẩm dừa, tuyển chọn vườn dừa kiểu mẫu,…

Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thiết kế mỹ thuật được được thể hiện qua các không gian thiết kế “Phố đi bộ”, “Không gian dừa”; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng xuyên suốt các ngày diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa thể thao tiêu biểu như “Ngày hội áo bà ba”, cuộc thi “Người đẹp xứ dừa”, giải thể thao “Nông dân đua xuồng”, cuộc đi bộ “Vì Bến Tre tôi yêu”,... cũng được tổ chức, thu hút nhiều lượt người tham gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trương Hòa Bình (bìa phải) dự Lễ hội dừa tại Bến Tre

Trong khuôn khổ của lễ hội, có 4 Hội thảo cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh với các nội dung về phát triển nông nghiệp, xây dựng sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu và phát triển nhãn hiệu, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển du lịch, xây dựng chuỗi giá trị,... Đây vừa là hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa có tính định hướng, kết nối các vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn để giúp ngành dừa Bến Tre phát triển.

Văn nghệ chào mừng

Được biết, Bến Tre là tỉnh có tiềm năng và sản lượng dừa lớn nhất cả nước với hơn 72.000ha dừa, gần 200.000 hộ trồng dừa. Đây là nơi chế biến, xuất khẩu dừa lớn nhất cả nước và thế giới. Sản lượng dừa hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Lễ hội năm nay quy tụ khoảng 400 gian hàng, tổng kinh phí khoảng 22 tỉ đồng với nguồn xã hội hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Cao Văn Trọng cho biết, kế thừa và tiếp nối thành công qua 4 kỳ tổ chức trước đây, Lễ hội dừa lần thứ V năm 2019 tại Bến Tre với chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững”. Qua đó, xác định vị thế của ngành dừa và sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và sản phẩm dừa của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; thúc đẩy ngành dừa hội nhập và phát triển một cách bền vững. Lễ hội dừa lần này xoáy sâu và đồng bộ các chuỗi hoạt động phong phú từ nghiên cứu khoa học đến thực hành các hoạt động đời sống như giao thương, ẩm thực, vui chơi, trình diễn, thưởng lãm, trải nghiệm,…

Lễ hội dừa diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/11

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình biểu dương Bến Tre tổ chức Lễ hội Dừa lần V với nhiều hoạt động phong phú, mang tính cộng đồng cao. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bến Tre và tôn vinh những nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý có nhiều đóng góp để cây dừa Việt Nam phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội dừa Bến Tre lần này nhằm tiếp tục quảng bá, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ của những tỉnh trồng dừa trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó khẳng định vị thế của cây dừa trong sự phát triển chung của đất nước và quan tâm đến lợi ích của những người trồng dừa, doanh nghiệp chế biến và buôn bán dừa.

Du khách đi tham quan Lễ hội dừa

Ông hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tỉnh trồng dừa, ngành dừa Việt Nam, đặc biệt là người dân Bến Tre sẽ phát triển bền vững, thu nhập của nông dân trồng dừa sẽ tăng lên; doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dừa nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ và làm giàu từ cây dừa.  

Trong tương lai không chỉ hợp tác sâu rộng, chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước mà cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển. Từ đó, giúp cây dừa có nhiều sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, để cây dừa và các sản phẩm từ dừa ngày càng đóng góp quan trọng hơn cho nền kinh tế quốc dân và gia tăng thêm các chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường thế giới nhiều hơn./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết