Tiếng Việt | English

15/08/2018 - 19:58

Chủ tịch Quốc hội tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc

Ông Kamal Malhotra đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan của Việt Nam trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em.

Chiều 15/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc và ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như vai trò, sự đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) tại Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 1990, Việt Nam không chỉ là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, mà còn không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào của Công ước. Đến năm 1991, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; sửa đổi bổ sung, toàn diện vào năm 2004. Nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát huy đầy đủ quyền tham gia của trẻ em, với cách tiếp cận mới, Quốc hội đã sửa đổi toàn diện lần thứ 2 và thông qua Luật Trẻ em vào năm 2016.

Đạo luật này đã tạo hành lang pháp lý thực hiện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận mới, dựa trên quyền trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình ban hành các đạo luật này, vấn đề tuổi trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, thảo luận nhiều nhất của các ĐBQH. Quốc hội Việt Nam đã lắng nghe ý kiến của các tổ chức quốc tế, nhà quản lý, khoa học, chuyên gia, những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực trẻ em để xây dựng quy định về tuổi trẻ em.

Ông Kamal Malhotra đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan của Việt Nam trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em

Giải thích cụ thể về chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Trẻ em quy định dưới 16 tuổi là trẻ em. Nhưng luật pháp của Việt Nam quy định người đủ 18 tuổi mới là người thành niên và phải chịu trách nhiệm đầy đủ trước pháp luật, còn người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì chưa phải chịu trách nhiệm đầy đủ trước pháp luật. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, điều này không trái với Công ước. 

Như vậy, Việt Nam có hệ thống pháp luật rất rõ ràng bảo vệ quyền của trẻ em và bảo vệ quyền của người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để phát triển toàn diện cả về trí lực, thể lực và nhân cách. Quốc hội Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện để bảo vệ đầy đủ quyền của trẻ em.

Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp; chúc mừng Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về trẻ em vào năm 1990; đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan của Việt Nam trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Ông Kamal Malhotra cũng bày tỏ mong muốn, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi khái niệm trẻ em, độ tuổi pháp lý trong Luật Trẻ em để phù hợp với Công ước Quốc tế.

Cũng trong buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra đã trao đổi về quan hệ hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội Việt Nam với các tổ chức Liên Hợp Quốc; Việt Nam mong muốn các cơ quan của Liên Hợp Quốc tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Quốc hội Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em./.

Lê Tuyết/VOV.VN

Chia sẻ bài viết