Tiếng Việt | English

11/03/2016 - 01:05

Chủ tịch tỉnh Cà Mau họp "nóng" về tín dụng đen

Nhiều hộ dân ở Cà Mau đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì vay tiền tín dụng đen. Các chủ nợ đã khôn khéo lách luật khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý.

Ngày 10-3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức hợp báo để tìm hướng giải quyết, ngăn chặn tình hình tín dụng đen đang nở rộ trên địa bàn tỉnh, khiến hàng trăm người dân điêu đứng.


Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý vụ tín dụng đen ở Cà Mau

Trước đó, nhiều hộ dân ở huyện Cái Nước, Thới Bình, Đầm Dơi, và TP Cà Mau đã kéo đến cơ quan tiếp dân và một số cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau, tố cáo đường dây cho vay nặng lãi của bà Nguyễn Thị Bé Tám (56 tuổi), ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Theo trình bày của một số nạn nhân, từ năm 2013 đến nay, thông qua bà Trần Thị Thoại (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước), nhiều người dân ở các địa phương nói trên đã vay tiền của bà Tám. Để được vay tiền, họ phải ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám. Khi không còn khả năng trả nợ, họ bị bà Tám buộc phải giao nhà và đất.

Bà Phan Thị Út (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình), cho biết, bà vay của bà Tám 150 triệu đồng nhưng khi làm hợp đồng bà Tám cho ghi thành 200 triệu đồng, buộc phải ký, nếu không sẽ không được vay. "Lúc đó bà Tám nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi, nên tôi mới ký vào. Trong hợp đồng tôi chỉ chuyển nhượng đất, không chuyển nhượng nhà. Thế nhưng mấy tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà Tám cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và số điện thoại liên hệ của bà ấy”, bà Út nghẹn ngào kể.


Ông Luân buồn bã vì bị chủ nợ siết lấy phần đất của gia đình

Tương tự, ông Đoàn Minh Luân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) cho biết, ông vay 200 triệu đồng, nhưng ghi thành 320 triệu đồng. Hay trường hợp của ông Trần Văn Mười, vay 108 triệu đồng, nhưng hợp đồng ghi đến 200 triệu đồng…

Nhiều lần siết nợ ông Luân không thành, bà Tám khởi kiện ông Luân ra tòa, vì cho rằng mình mua đất của ông Luân có lập hợp đồng và đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đang được tòa án thụ lý. “Giá trị đất tôi thế chấp cho bà Tám hiện tại hơn 1,2 tỷ đồng, thì không lẽ nào tôi chỉ bán cho bà Tám có 320 triệu đồng như trong hợp đồng đã ghi”, ông Luân nói.

Người môi giới cho bà Tám là bà Trần Thị Thoại cũng có tờ tường trình gởi cơ quan chức năng. Theo đó, bà Thoại thừa nhận từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu khoảng 40 người đến vay tiền bà Tám nhưng với hình thức làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản.

Hiện những người vay tiền của bà Tám rất hoang mang, sợ bị bà Tám siết nhà, sẽ không còn chỗ ở.


Tờ tường trình của bà Thoại gửi các cơ quan chức năng

Tại cuộc họp báo, chủ tịch UBND các huyện Cái Nước, Đầm Dơi và Thới Bình cũng như công an các địa phương này đều khẳng định chưa nhận được đơn tố cáo nào của người dân đối với trường hợp cho vay nặng lãi của bà Tám…

Trong khi đó, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau đều cho rằng rất khó xử lý hình sự đối với bà Tám cũng như một số đôi tượng cho vay dưới hình thức “tín dụng đen” vì thiếu cơ sở để chứng minh những người này cho vay nặng lãi. Hầu hết các vụ việc khi có tranh chấp xảy ra đều đã và đang được TAND các cấp thụ lý giải quyết theo hướng tranh chấp dân sự.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo: “Sở Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến thông tin cho người dân nắm rõ các quy định của pháp luật và các thủ đoạn của những người cho vay để người dân có ý thức phòng tránh. Mặt khác, để người chuyên đi cho vay hiểu những hành vi pháp luật cấm mà đừng vi phạm. Đồng thời, các ngành chức năng cần kiểm tra, chấn chỉnh công tác công chứng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật”..

Ông Hải cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, chính quyền các địa phương nhanh chóng rà soát các gia đình chính sách cần vốn sản xuất, kinh doanh, học tập… để tạo điều kiện cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách. Tránh tình trạng gia đình chính sách vì khó khăn mà phải đi vay lãi suất cao bên ngoài.

Ông cũng đề nghị công an tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, xác minh, điều tra chặt chẽ từng vụ việc cụ thể, phối hợp với các cơ quan tư pháp để có hướng xử lý phù hợp. “Cơ quan thi hành án nên cân nhắc, tạm dừng thi hành án đối với các gia đình nghèo phải giao tài sản cho đối tượng cho vay theo phán quyết của tòa án để điều tra làm rõ xem có dấu hiệu tội phạm hay không…”, ông Hải chỉ đạo./.

Nguồn: Người lao động

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích