Tiếng Việt | English

07/08/2015 - 08:27

Chú trọng hướng nghiệp cho học sinh

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi nhất trí với phần kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đặc biệt, thực hiện Chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm - giảm nghèo, tỉnh ta đã đạt những kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, nguồn nhân lực từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; công tác đào tạo nghề được chú trọng, mức độ xã hội hóa ngày càng cao; thực hiện tốt việc giải quyết việc làm theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; tập trung các giải pháp giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, lĩnh vực lao động-việc làm, công tác dạy nghề, giảm nghèo vẫn còn một số mặt bất cập.

Tính ổn định, bền vững trong tạo việc làm, tuyển sinh trung cấp nghề, cao đẳng nghề còn thấp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đa dạng, một số nghề chưa gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; phân luồng học sinh (HS) vào học nghề gặp nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Mức sống người dân còn thấp, an sinh xã hội cho công nhân còn hạn chế. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển.

Một thực tế khác mà tôi quan tâm, đó là "thừa thầy, thiếu thợ". Thời gian qua, tình trạng, nhiều trường đại học được thành lập, dẫn tới cuộc "chạy đua" vào đại học của HS mà bỏ qua con đường học nghề. Đối với một số HS, khi không thể vào đại học do khả năng hạn chế, lúc đó mới quay sang học nghề với tâm lý thụ động nên việc tiếp thu kiến thức nghề cũng hạn chế. Bên cạnh đó, do không được hướng nghiệp nên nhiều HS vẫn do dự trong việc lựa chọn con đường đi đúng cho mình. Do đó, việc hướng nghiệp, phân loại HS và phát triển các lớp dạy nghề cho HS tốt nghiệp THCS, THPT rất cần thiết.

Hiện nay, hệ thống các trường dạy nghề ở tỉnh ta khá phát triển, tôi đề nghị bổ sung và dự thảo nội dung: Định hướng nghề cho HS để giải quyết tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", có như thế mới có thể bảo đảm nguồn nhân lực phát triển tỉnh nhà. /.

Nguyễn Trâm Anh

Chia sẻ bài viết