Tiếng Việt | English

21/07/2015 - 11:38

Chú trọng nâng chất giáo dục ở vùng sâu, vùng xa

Tôi thống nhất dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 nhận định: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ta tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Chú trọng vào đổi mới giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên; triển khai tốt việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tăng về số lượng và nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Công tác phổ cập giáo dục các bậc học ngày càng hiệu quả. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Trình độ dân trí ở các huyện vùng sâu, vùng biên giới được nâng lên; học sinh, sinh viên gia đình diện chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện học tập, góp phần thực hiện công bằng trong hưởng thụ giáo dục.

Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi nhận thấy rằng, các hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia hay các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, hầu hết các thứ hạng cao đều thuộc về các trường học trên địa bàn TP.Tân An hoặc các huyện có điều kiện thuận lợi. Điều đó cho thấy, vẫn còn một khoảng cách khá xa về chất lượng giáo dục giữa các trường học thành thị và nông thôn vùng sâu, vùng xa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, điều kiện kinh tế địa phương, sự quan tâm của phụ huynh học sinh, trình độ đội ngũ giáo viên,… mà theo tôi, một điều khó nhất hiện nay là cơ sở vật chất ở các trường nông thôn, vùng sâu rất khó khăn, điều kiện đi lại của giáo viên và học sinh còn vất vả, có những học sinh phải lội bộ vài ba cây số mới tới được lớp học. Trong điều kiện như thế nên rất khó khăn cho giáo viên thực hiện, ứng dụng đổi mới phương pháp dạy học tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc tạo điều kiện nâng chất giáo dục ở vùng sâu, vùng xa để rút dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn./.

Trần Thị Định 

Chia sẻ bài viết