Tiếng Việt | English

17/10/2017 - 10:27

Chưa giải phóng mặt bằng Đường vành đai Tân An

Dự án đường Vành đai TP.Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An. Đến nay, công trình vẫn làm nhiều người “tò mò” vì “nghe nhiều nhưng chưa thấy thi công”.

Công trình trọng điểm

Theo phê duyệt, dự án đường Vành đai TP.Tân An có tổng chiều dài hơn 22 km, rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833, TP.Tân An. Như vậy, tuyến đường này qua 5 xã, phường: Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa); Lợi Bình Nhơn, Khánh Hậu, Tân Khánh, An Vĩnh Ngãi, phường 7, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, phường 5 (TP.Tân An).

Bảng thông báo thực hiện công trình đường Vành đai TP. Tân An cắm ở đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An

Tuyến đường này khi đưa vào khai thác sẽ chuyển hướng lưu thông vận tải ra ngoại thành, góp phần giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua nội ô TP.Tân An và đường Hùng Vương, tạo trục giao thông liên hoàn nối liền các xã, phường; kết nối vùng giữa các huyện, thành phố; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. “Với quy hoạch này, tuyến đường gần như “ôm” trọn TP.Tân An nên tôi hy vọng đây là con đường chiến lược, thúc đẩy KT-XH TP.Tân An phát triển” - bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An chia sẻ. Cũng theo bà Lệ, 2 năm qua bà luôn theo dõi tiến độ dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi công.

Vẫn còn “ê hề”

Đến nay, dự án chỉ mới thực hiện được các bước như đo đạc, cắm mốc ranh giới, kê biên. Đối với đơn giá bồi thường, hỗ trợ, UBND thành phố và UBND huyện Thủ Thừa gửi đến các ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để sau đó hoàn thành công khai cho người dân biết.

“Mức giá đưa ra khá cao. Theo dự kiến, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng - tái định cư mà UBND TP.Tân An ước tính hơn 763 tỉ đồng”, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP.Tân An - Lê Văn Quốc cho biết.

Dự án này có quy hoạch “phân khu chức năng” nên 2 bên đường giải tỏa 20m. Hiện vẫn có nhiều người dân phản đối vì họ cho rằng như vậy là không phù hợp. “Chúng tôi ủng hộ thực hiện dự án làm đường nhưng chỉ đồng ý giải tỏa, bàn giao phần đất nằm trong 33m, không chấp nhận giải tỏa thêm 20m ở mỗi bên đường để làm phân khu chức năng…” - bà Nguyễn Thị Bé và một số hộ dân ở ấp Ngãi Lợi A và Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An viết trong đơn gửi đến ngành chức năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố - Huỳnh Văn Nhịn, lý do chính là do người dân hiểu sai theo hướng phân khu chức năng là để bán nền. Theo đó, chủ đầu tư và các xã, phường nằm trong dự án đi qua phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận. “Người dân cần hiểu rõ phân khu chức năng không phải là để bán nền mà để sau này thực hiện các chức năng như văn hóa, công viên, thương mại - dịch vụ,… phục vụ lợi ích của người dân, tạo mỹ quan đô thị” - ông Nhịn giải thích.

Liên quan đến tiến độ thực hiện đường Vành đai TP.Tân An, cuối tháng 9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đầu tháng 11/2017, thành phố phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tiến hành chi trả cho người dân, ít nhất trong tháng 12/2017 tổ chức khởi công một đoạn. “Với những bước đã thực hiện được thì khả năng sẽ tiến hành khởi công ở một đoạn thuộc dự án thành phần 4 - đây cũng là dự án do UBND TP.Tân An làm chủ đầu tư” - ông Nhịn cho biết thêm.

Như vậy, để xúc tiến dự án này, TP.Tân An cần tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ, đồng thuận./.

Dự án đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây được chia thành 5 dự án thành phần để thực hiện; trong đó, dự án thành phần 4 ( dài gần 6km) do UBND TP.Tân An làm chủ đầu tư, dự án thành phần 1, 2 và 3 do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Riêng đối với dự án thành phần 5 là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.Tân An do UBND TP.Tân An thực hiện, còn đoạn qua địa phận xã Mỹ Phú được giao cho UBND huyện Thủ Thừa. Tuyến đường này có tổng mức đầu tư hơn 2.429 tỉ đồng với nhiều nguồn vốn khác nhau; trong đó hình thức đầu tư dự án thành phần 1 và 2 là đối tác công tư (PPP) và xây dựng chuyển giao (BT), dự án thành phần 3 đầu tư theo hình thức (PPP) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự án thành phần 4 theo phương thức đầu tư công (vốn vay ngân hàng thế giới), dự án thành phần 5 cũng theo phương thức đầu tư công (vốn ngân sách tỉnh).

Lê Đức

Chia sẻ bài viết