Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 09:17

Chùa Kim Cang, ngôi cổ tự nổi tiếng ở miền Nam


Chùa Kim Cang trong buổi lễ đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa, 29-7-2011

Minh Mạng Nguyên Niên năm 1820, Hòa Thượng Đại Bồ, dòng Lâm Tế thứ 37 về thôn Bình Khuê, tổng Thuận Đạo, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) dựng lên một ngôi chùa đặt tên là Phước Long Tự. Năm 1865, Hòa Thượng Chánh Tâm, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40 tiếp nối về đây trụ trì, theo truyền thuyết của chùa kể rằng, trong một lần nằm mộng, thấy thần Kim Cang chỉ đường dời chùa về nơi mới, chính là chùa Kim Cang ở ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa ngày nay.

Chùa mở lớp Phật học đầu tiên và nhiều lớp về sau này, góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngoài các bao lam, hoành phi, câu đối, chuông đồng và tượng thờ có niên đại cuối thế kỷ XIX, được bố trí trong không gian kiến trúc truyền thống và đậm nét văn hóa Phật giáo Nam Bộ, ở đây còn lưu giữ nguyên vẹn 299 mộc bản chữ Hán được tạo tác rất sắc xảo để khắc các loại kinh Phật như Kim Cang, Bát Nhã, Ba La Mật Kinh, Tân San Bổ chính yếu đại đoàn,… Đây là hiện vật có giá trị tư liệu và khoa học, chứng tích Chùa Kim Cang là ngôi Tổ đình của dòng Lâm Tế, phái Liễu Quán ở Long An, xưa kia là trung tâm Phật giáo của đất Gia Định, in ấn phát hành kinh sách Phật giáo, đào tạo tăng tài ở Long An và Nam Bộ. Trong suốt cuộc hành trình khai mở, tạo dựng và bảo vệ thành quả của cha ông, Chùa Kim Cang đã luôn gắn bó trong như là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Chùa Kim Cang được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 2157/QĐ.UBND ngày 12/7/2011.


Tam quan chùa Kim Cang

Lịch sử đồng hành cùng dân tộc, phụng sự đất nước chứng minh đạo Phật là một phần máu thịt của tâm hồn Việt Nam, của lịch sử Việt Nam. Nhiều giá trị của đạo Phật và phép ứng xử rút ra từ nó đã trở thành truyền thống và tập quán tốt đẹp đối với người Việt Nam. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, đạo Phật đang phát huy những giá trị tích cực của mình, tiếp tục đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng nội tâm, văn hoá, đạo đức, lối sống truyền thống cho con người mới, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội và tạo nên sự phong phú đa dạng trong bản sắc văn hoá Việt Nam, góp phần hình thành và củng cố nền tảng xã hội ta vững chắc vì mục tiêu phát triển bền vững. Di sản văn hóa Phật giáo do cha ông để lại, trong đó có di tích Chùa Kim Cang là nơi ghi dấu những nỗ lực, sự phấn đấu bền bĩ, hào hùng của các thế hệ tiền nhân trên chặng đường 300 năm kiến tạo và gìn giữ mảnh đất thân yêu này. Chùa Kim Cang hiện là điểm An cư kiết hạ của chư Tăng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội,... của Phật giáo Long An. Phát huy tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, Chùa Kim Cang không những làm tốt việc Phật sự của Giáo hội, các phong trào ích nước lợi dân, mà bảo vệ, giữ gìn, tu bổ để ngôi tam bảo này trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, một địa chỉ quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Chùa Kim Cang ở huyện Thủ Thừa là một trong số ít ỏi chùa cổ ở tỉnh Long An góp phần thể hiện được nét tiêu biểu của văn hóa Phật giáo qua hệ thống truyền thừa và kinh sách cổ lưu lại, như đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo trong quyển sách Những ngôi chùa Nam Bộ: Chùa Kim cang là ngôi cổ tự nổi tiếng miền Nam xưa nay.

Nổi bật một màu vàng truyền thống cùng với những hoạ tiết trang trí tinh xảo và đậm văn hóa Phật giáo hài hòa trong tổng thể kiến trúc và cảnh quan với màu xanh tươi mát của cây cối, thiên nhiên, Chùa Kim Cang vừa vàng son tráng lệ do trải qua những lần trùng tu, vừa cổ kính từ trong kiến trúc, bài trí và thờ tự của một công trình văn hóa truyền thống. Chùa Kim Cang cùng với Chùa Tôn Thạnh, Chùa Núi, tức Linh Sơn Tự (Cần Giuộc), Chùa Phước Lâm (Cần Đước)… không những có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, mà còn là những ngôi chùa đẹp, nằm trên các trục lộ chính, quốc lộ và tỉnh lộ. Kết nối những địa điểm này vào tuyến du lịch để phát huy giá trị di tích gắn với du lịch tâm linh - một mảng du lịch văn hóa rất quan trọng và cũng là xu thế hiện nay, phải chăng là một cách làm góp phần vừa phát triển du lịch, vừa giới thiệu, quảng bá một Long An giàu truyền thống văn hóa.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết