Tiếng Việt | English

09/05/2017 - 13:36

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Kết thúc giai đoạn 2011-2015, Long An là 1 trong 2 địa phương tiêu biểu XDNTM ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.


Xây dựng nông thôn mới, nhiều trường học được đầu tư khang trang, sạch đẹp (Trong ảnh: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước)

Nhiều mô hình hay

Phong trào thi đua XDNTM được Long An triển khai rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Nhiều xã gắn thi đua XDNTM với xây dựng xã văn hóa. Phong trào phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình bêtông hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành, Tân Trụ; phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; phong trào Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh; hộ nông dân NTM; Tuổi trẻ chung tay XDNTM,... nhất là Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn; Phụ nữ chung sức XDNTM; đặc biệt là mô hình 5 không, 3 sạch;...

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, hưởng ứng phong trào XDNTM, các cấp hội phát động trong toàn hội viên phụ nữ. Tiêu biểu phải kể đến những mô hình: Phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nylon; Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, Ngôi nhà xanh, Tuyến đường không rác, Biến rác thành tiền, Dòng sông không rác thải, Bếp ít khói,... nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí (TC) môi trường. Không những vậy, giai đoạn 2011-2016, các cấp hội xây dựng trên 500 công trình mang tên hội, trị giá hơn 17,3 tỉ đồng cùng tỉnh XDNTM, xây dựng đô thị văn minh.

Đại diện tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới

XDNTM phát huy vai trò chủ thể của người dân. Hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi đều được người dân hiến đất, nhiều hộ còn góp tiền mặt, ngày công lao động. Nhờ đó, việc giải phóng mặt bằng khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công các công trình công cộng. Nhiều xã nhờ phát huy tốt nội lực của người dân nên đạt chuẩn NTM trước dự kiến. Đó là các xã: Hòa Phú, Phước Tân Hưng, Long Trì (huyện Châu Thành); Nhị Thành (huyện Thủ Thừa); An Thạnh (huyện Bến Lức); Phước Vân (huyện Cần Đước); Long Thượng, Long Phụng (huyện Cần Giuộc);...

Ông Trần Văn Tôi ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, phấn khởi: “Tôi sống ở vùng quê này mấy chục năm nay. Nhờ chương trình XDNTM, đường sá nơi đây giờ thuận tiện hơn. Những năm trước, muốn đi từ nhà này qua nhà khác hay sang các địa phương lân cận đều khó khăn. Do đó, khi Nhà nước phát động XDNTM, tôi tình nguyện hiến 3.000m2 đất làm đường kết hợp làm đê bao. Tôi nghĩ, mình hiến đất cũng là phục vụ lợi ích lâu dài cho mình!”.

Theo thông tin từ UBND huyện Tân Thạnh, hiện toàn huyện có 3 xã đạt NTM (Hậu Thạnh Đông, Nhơn Ninh, Tân Ninh). Theo lộ trình đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu có thêm 3 xã nữa đạt chuẩn NTM (đạt 50% số xã NTM trong huyện). Đó là xã Bắc Hòa vào năm 2017, Hậu Thạnh Tây năm 2018 và Kiến Bình năm 2020. Để đạt chỉ tiêu trên, huyện cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và phải huy động vốn đầu tư khá lớn.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc của Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh vào tháng 3-2017 về kiểm tra xây dựng xã văn hóa, NTM tại xã Tân Ninh, 3 xã được công nhận NTM gồm: Tân Ninh, Hậu Thạnh Đông và Nhơn Ninh còn một số TC chưa đạt. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu 3 địa phương này cần củng cố, giữ vững và nâng chất các TC để đủ điều kiện công nhận lại xã NTM.


Người dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Giai đoạn 2011-2015, ngoài việc tỉnh nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất (được thưởng 3 tỉ đồng), huyện Châu Thành được tặng cờ thi đua của Chính phủ, 9 xã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; có hàng trăm tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen. Riêng năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 30 tập thể và 27 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong phong trào XDNTM.

Phấn đấu có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 2 (2016-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, năm có nhiều thiên tai như khô hạn, mặn xâm nhập,... ảnh hưởng đến KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương tạo động lực cho XDNTM. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 57 xã đạt chuẩn NTM, tăng 14 xã so với năm 2015, đạt 117% kế hoạch; có 80 xã đạt từ 14-18 TC, 23 xã đạt từ 10-13 TC và 11 xã đạt từ 6-9 TC (không có xã đạt dưới 6 TC). Số TC đạt bình quân/xã là 15,5 TC. Chất lượng các TC NTM tiếp tục được củng cố. Năm 2017, tỉnh phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn NTM, số TC đạt bình quân/xã là 16 TC. Theo đó, dự kiến tổng vốn thực hiện chương trình khoảng 2.315 tỉ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết, trên nền tảng đó, UBND tỉnh phát động phong trào Long An chung sức XDNTM giai đoạn 2 (2016-2020) với những TC quan trọng: Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 89 xã về đích NTM (hơn 53%), số TC đạt bình quân 16,5-17 TC/xã, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn về giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 tăng 1,8 lần so với năm 2015 (56 triệu đồng/người/năm). Trách nhiệm đặt ra khá nặng nề, vì trong giai đoạn 2016-2020, yêu cầu chất lượng TC NTM cao hơn.

Mặt khác, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM đa số là các địa phương ở vùng xa, kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng yếu kém (vì các xã có nhiều điều kiện thuận lợi đạt NTM giai đoạn 1). Vì vậy, XDNTM giai đoạn này sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân, huy động vốn xã hội hóa mới mong hoàn thành mục tiêu.

Thời gian tới, ông mong rằng, phong trào thi đua này nên đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, trọng tâm của địa phương, việc dễ làm trước - khó làm sau. Với các xã được công nhận NTM cần tổ chức phát động thi đua giữ vững, nâng chất các TC và xây dựng xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu,...

Tại Hội nghị tổng kết chương trình XDNTM tỉnh Long An năm 2016; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình XDNTM tỉnh - Trần Văn Cần chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong XDNTM: Công tác quản lý, thực hiện xây dựng theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập; sản xuất nông nghiệp thiếu tính liên kết, bền vững, phương thức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất.

Bên cạnh đó, một số nơi còn nặng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thiếu quan tâm đến phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; cảnh quan môi trường ở các xã đạt chuẩn NTM chưa thật sự xanh - sạch - đẹp; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng; trật tự, an toàn xã hội ở một số nơi diễn biến phức tạp. Một vài địa phương còn tư tưởng chạy theo thành tích, thiếu giải pháp củng cố, nâng chất tiêu chí. Chất lượng một số tiêu chí chưa cao, thiếu tính bền vững./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết