Tiếng Việt | English

22/04/2019 - 12:17

Chung tay bảo vệ môi trường

Quét rác, dọn vệ sinh các tuyến đường, trồng cây xanh, chăm sóc hoa, cấp, phát thùng đựng rác, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, xây hố rác miễn phí,...là cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội từ những mô hình, câu lạc bộ (CLB) bảo vệ môi trường.

Người dân ấp Thanh Quới xã Thanh Phú Long dọn dẹp vệ sinh môi trường trên tuyến đường hoa

Người dân ấp Thanh Quới xã Thanh Phú Long dọn dẹp vệ sinh môi trường trên tuyến đường hoa

Những tuyến đường xanh, sạch, đẹp

Trời nắng như đổ lửa, vậy mà một số phụ nữ (PN) xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn rủ nhau đi nhặt rác, tỉa cây xanh ở một số tuyến đường trong ấp. Lưng đẫm mồ hôi, bàn tay các chị thoăn thoắt làm việc. Con đường đal ở ấp Thanh Quới thẳng tắp, sạch, đẹp. Hai bên đường được trồng cây chuông vàng, trổ hoa vàng rực. “Dạo này thời tiết nắng gắt nên chị em chúng tôi thay nhau tưới nước, chăm sóc hai hàng cây. Trước đây, đoạn đường này có trồng loại cây khác nhưng không được đẹp như thế này. Một số người đi đường thi thoảng vứt rác bừa bãi. Nay có đoạn đường hoa, người dân ý thức hơn” - chị Nguyễn Thị Huệ, ngụ ấp Thanh Quới, nói.

Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Thanh Quới - Võ Thị Xem chia sẻ, mô hình này được phát động năm 2016 nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Một nhóm PN khoảng 10 người thay nhau đảm nhận nhiệm vụ. Trước đây, trong nhóm có sự phân công cho nhau, bây giờ trở thành thói quen, ai đi qua thấy rác hoặc cây thiếu nước là tự nhặt rác, tưới nước, bón phân cho cây,... Thấy công việc này ý nghĩa, một số hội viên nông dân, Đoàn Thanh niên cũng hưởng ứng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền thông tin: Đến nay, mô hình Tuyến đường hoa được xây dựng ở các xã, thị trấn. PN huyện quản lý 19 tuyến đường hoa dài trên 20km. Thực hiện mô hình này, cán bộ hội vận động từng hộ gia đình tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp gắn với thực hiện các tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và phong trào PN chung sức xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tại huyện còn thành lập CLB PN thân thiện với môi trường tại xã Bình Quới.

Theo Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh, giai đoạn 2016-2018, các cấp hội trong tỉnh duy trì, xây dựng hơn 250 công trình mang tên hội thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đó là trồng cây xanh ven ngõ; nâng cấp các tuyến đường liên xóm; bảo quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp; thắp sáng đường giao thông nông thôn; bếp ít khói; hố rác gia đình; xóa điểm rác thành vườn hoa; sạch ngõ vì một đô thị không rác; mỗi gia đình đều có hố rác; nhà sạch, vườn xanh, ngõ đẹp; trồng hoa kiểng khu dân cư; thu gom rác thải hộ gia đình;... Đồng thời, các chị còn trồng rau sạch; hàng rào xanh, bếp sạch; trồng rau trên chậu; tổ PN hạn chế sử dụng túi nylon; tổ PN góp vốn xây nhà vệ sinh tự hoại;... với tổng trị giá trên 17 tỉ đồng. Từ những mô hình này, không chỉ làm cho diện mạo nông thôn đẹp hơn mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn.

Gia đình ông Huỳnh Văn Đậu (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) được xây lò đốt rác miễn phí

Gia đình ông Huỳnh Văn Đậu (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) được xây lò đốt rác miễn phí

Hiệu quả từ lò đốt rác

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Cho, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đó là ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát và không hề có rác. ““Nhà sạch thì mát” nên vợ chồng tôi ngày nào cũng quét dọn, đặc biệt từ khi có lò đốt rác (LĐR), cứ 2-3 ngày, tôi đốt rác 1 lần. LĐR này tôi thiết kế theo mẫu của xã, được Hội Nông dân hướng dẫn chi tiết. Vì kinh phí không quá lớn (hơn 500.000 đồng/lò) nên khi xã vận động, tôi tự bỏ tiền xây chứ không nhận hỗ trợ. Trước đây, khi chưa xây dựng LĐR, gia đình tôi thường đào hố chôn lấp tại vườn. Từ khi có LĐR, rác được phân loại trước khi đem đốt. Lò có thiết kế thêm nắp đậy nên có thể đốt rác vào mùa mưa”.

Còn ông Huỳnh Văn Đậu, ngụ ấp Long Hưng, con trai Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tặng, vui mừng: “Gia đình tôi được các thành viên đội tình nguyện xây LĐR miễn phí. Nhà tôi nằm sâu trong ấp nên trước khi chưa có lò, tôi gặp khó trong vấn đề xử lý rác thải. Nay có LĐR, tôi thấy rất thuận lợi”.

Theo Hội Nông dân huyện Cần Giuộc, toàn huyện có khoảng 2.000 LĐR được xây dựng, hiệu quả nhất phải kể đến xã Long Thượng. Hiện nay, địa phương này xây dựng khoảng 140 LĐR. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thượng - Trần Văn Xuân thông tin, thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, Hội Nông dân vận động gia đình hội viên, người dân tham gia hưởng ứng. Đến nay, hội xây được 60 lò. Long Thượng là địa bàn giáp ranh TP.HCM nên phát sinh người dân từ nơi khác đến sinh sống. Từ đó, số lượng rác sinh hoạt hàng ngày nhiều, ảnh hưởng đến môi trường địa phương. Từ khi xây LĐR, lượng rác thải sinh hoạt trong xã cơ bản được giải quyết, người dân bắt đầu làm quen với việc phân loại rác hàng ngày và xử lý rác đúng nơi quy định. Không chỉ phát động, vận động người dân hưởng ứng mô hình, năm 2019, xã xây dựng 15 LĐR miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí xã hội hóa.

Câu lạc bộ Môi trường Cựu chiến binh phường 4 phối hợp lực lượng chức năng vận động, nhắc nhở người dân không lấn chiếm  lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán

Câu lạc bộ Môi trường Cựu chiến binh phường 4 phối hợp lực lượng chức năng vận động, nhắc nhở người dân không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán

Câu lạc bộ môi trường

Từ tháng 6/2018, Hội Cựu chiến binh TP.Tân An, tỉnh Long An thành lập CLB Môi trường. Chủ tịch hội - Trần Văn Đờn cho biết, đến nay, thành phố có 13 CLB môi trường của cựu chiến binh. Mô hình này với sự tham gia của cựu chiến binh, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Hàng tháng hoặc hàng quí, CLB vận động người dân sinh sống trên địa bàn chung tay bảo vệ môi trường; trực tiếp tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải, trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường, trong vườn sân nhà của mỗi hội viên tạo môi trường xanh, sạch, đẹp; ra quân vận động các tiểu thương không lấn chiếm lòng, lề đường, tháo dỡ mái che không đúng quy định;... Mô hình nhận được sự đánh giá cao của UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An trong việc chung tay cùng người dân hình thành nên những tuyến đường văn minh đô thị, góp phần đưa TP.Tân An trở thành đô loại II vào năm 2019.

Đường Nguyễn Văn Tạo, phường 4, là tuyến đường do Hội Cựu chiến binh phường 4 đăng ký dọn vệ sinh và làm thông thoáng mặt đường. Chủ tịch hội - Nguyễn Thanh Hiền thông tin, đây là tuyến đường làm điểm trong mô hình CLB Môi trường Cựu chiến binh. Thời gian qua, nhờ có CLB này, ý thức người dân nâng cao hơn trong việc chấp hành những quy định của Nhà nước, không vứt rác bừa bãi, không lấn chiếm hành lang, vỉa hè,...

Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hàng năm, Mặt trận, đoàn thể đều đăng ký xây dựng các công trình chung mang lại lợi ích cho cộng đồng: Vệ sinh môi trường, các con đường nhân dân tự quản,... Qua đó, tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích