Tiếng Việt | English

02/11/2016 - 15:16

Chung tay cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Thời gian qua, công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng được các cấp, các ngành trong tỉnh Long An quan tâm, tạo điều kiện, giúp họ vượt qua mặc cảm, dư luận xã hội, sớm tái hòa nhập và tự “đứng dậy” làm lại cuộc đời trên chính đôi chân từng vấp ngã.


Hội LHTN phối hợp ngành y tế khám, chữa bệnh cho nữ phạm nhân

Hiệu quả từ sự quan tâm

Theo số liệu từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 400 người tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, theo thống kê từ Tỉnh đoàn, năm 2015 có 175 thanh niên chậm tiến và thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật tiến bộ. Đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành của tỉnh với những mô hình cảm hóa mang lại hiệu quả thiết thực.

Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với chương trình “Chấp cánh tương lai” gặp gỡ những người lầm lỗi, lắng nghe những chia sẻ của họ về quá trình thử thách tái hòa nhập cộng đồng, nỗ lực làm lại cuộc đời sau vấp ngã. Đây là một trong nhiều biện pháp, việc làm của các ban, ngành, đoàn thể trong cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Có thể nhận thấy, mô hình Tổ giáo dục đối tượng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng được Đoàn Thanh niên xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức giúp thanh niên chậm tiến, vấp ngã trong cuộc sống làm lại cuộc đời trong thời gian qua phát huy hiệu quả. Trên cơ sở danh sách do Công an xã cung cấp, tổ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên: Đoàn Thanh niên xã, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Hội Nông dân,... nhận cảm hóa đối tượng lầm lỗi. Để quản lý, giáo dục tốt các đối tượng này trở thành người lương thiện, nhất là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, thanh niên mua bán và sử dụng chất ma túy thì hành trình cảm hóa là không hề dễ dàng.


Thanh niên chậm tiến, tái hòa nhập cộng đồng tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động thể dục - thể thao do đoàn, hội tổ chức

"Quan tâm, chăm lo lợi ích và nhu cầu chính đáng của thanh niên tái hòa nhập cộng đồng từ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời, thu hút nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống qua việc vận động các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề, chủ doanh nghiệp,... hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm, thu nhận họ vào làm việc. Tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, cảm hóa thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên."

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn cùng với sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các đối tượng sau khi được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng vươn lên làm lại cuộc đời. Năm 2015, xã Thạnh Đức có 12 trường hợp thanh niên được cảm hóa. Những thanh niên này đa phần là thanh thiếu niên bỏ học, tụ tập lêu lổng, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy và người chấp hành xong án phạt tù về địa phương,... Qua thời gian giáo dục, cảm hóa và ký cam kết không tái phạm, tổ cảm hóa được 10 đối tượng sớm tái hòa nhập với cộng đồng.

Bí thư Đoàn xã Thạnh Đức - Đặng Quốc Dũng chia sẻ: “Công việc tiếp cận, cảm hóa người lầm lỗi đòi hỏi rất nhiều ở sự nhiệt tình và bền bỉ. Chúng tôi phải gần gũi, tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của họ để có phương pháp vận động phù hợp. Công tác cảm hóa không được nóng vội, phải hết sức khéo léo, nhẹ nhàng, phân tích cho các em biết những hành vi sai trái. Đồng thời, phối hợp với gia đình sâu sát, khuyên bảo, quan tâm để các em không đi vào con đường phạm tội”.

Tại phường Tân Khánh, TP.Tân An - nơi phức tạp về tình hình an ninh, trật tự do có nhiều nhà máy công ty, khu nhà trọ sinh viên và công nhân đóng trên địa bàn, nhiều đối tượng thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trước tình trạng này, Đoàn Thanh niên phường triển khai kế hoạch theo dõi, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn qua việc tập hợp nhóm thanh niên chậm tiến ra quán nước, quán cà phê giải thích cho các em hiểu về hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Qua đó, kêu gọi những thanh niên này tham gia các hoạt động thể dục - thể thao do đoàn, hội, địa phương tổ chức; từ đó, tạo sự gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm để thanh niên có lối sống lành mạnh, có ích cho gia đình và xã hội.


Thanh niên chậm tiến, tái hòa nhập cộng đồng tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động thể dục - thể thao do đoàn, hội tổ chức

Những tín hiệu vui từ sự "hoàn lương"

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ, cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, công tác này còn ghi nhận tinh thần trách nhiệm của hội viên Hội LHPN, đoàn viên, thanh niên các cấp trong tiếp nhận cảm hóa giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) chính là địa chỉ tin cậy đối với các thanh niên chậm tiến, vấp ngã trong cuộc sống. Đến nay, Ủy ban LHTN các cấp thành lập 68 mô hình, câu lạc bộ (CLB) giới thiệu việc làm, đào tạo nghề giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thu hút trên 400 hội viên tham gia. Điển hình, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN xã phối hợp công an thành lập CLB giúp đỡ thanh niên chậm tiến với số thành viên tham gia khoảng 20 người mỗi năm. Hằng năm, số thanh niên tiến bộ chiếm 50% trên tổng số thành viên CLB.

Phải vào trung tâm cai nghiện vì sử dụng chất ma túy, khi độ tuổi còn khá trẻ va tương lai đang ở phía trước; sau 1 năm cai nghiện, Nguyễn Minh Phúc, SN 1991, ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức nhận ra những việc sai trái của mình. Trở về sinh sống cùng gia đình, Phúc cảm thấy cô đơn, lạc lỏng và mặc cảm với cộng đồng nên lại sa vào con đường nghiện ngập. Có thể nói, Phúc là trường hợp hết sức khó khăn trong việc cảm hóa, vận động tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm, động viên, chia sẻ tận tình của lực lượng công an, chính quyền và các đoàn thể, Phúc giã từ “cái chết trắng” và được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện nay, Phúc đang làm công nhân tại Công ty Chingluh, Khu Công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức.

Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Trang, SN 1972, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ vi phạm việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Được sự quan tâm của Chi hội Phụ nữ ấp Bình Thạnh nhận cảm hóa chị trong thời gian 6 tháng. Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động chị cùng tham gia sinh hoạt với hội viên. Đến nay, chị Trang có việc làm ổn định từ sự giới thiệu của Hội LHPN huyện, là nhân viên tư vấn bảo hiểm Dai-ichi, bảo đảm cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, từ quỹ hỗ trợ góp vốn xoay vòng và hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống của gia đình chị Trang có nhiều thay đổi, ổn định. Đó là những trường hợp điển hình tái hòa nhập cộng đồng, đứng dậy làm lại cuộc đời.

“Đối với những người lầm lỗi khi trở về cuộc sống đời thường, họ luôn luôn mặc cảm, tự ti. Chính vì vậy, việc cảm hóa, giáo dục để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng là điều không hề đơn giản. Chúng ta chỉ làm bằng trách nhiệm thì chưa đủ mà còn ở cả cái tâm và sự bao dung, biết lắng nghe tâm tư, hiểu từng hoàn cảnh để họ thấy sự quan tâm, chia sẻ của địa phương, từ đó vượt qua nỗi mặc cảm. Có như vậy, công tác cảm hóa sẽ dễ dàng hơn” - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Tịnh - Nguyễn Thị Ngọc Thúy chia sẻ những kinh nghiệm trong tham gia công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Bí thư Tỉnh Đoàn – Bùi Quốc Bảo cho biết: “ Quan tâm, chăm lo lợi ích và nhu cầu chính đáng của thanh niên tái hòa nhập cộng đồng từ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời, thu hút nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống qua việc vận động các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề, chủ doanh nghiệp,... hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm, thu nhận họ vào làm việc. Tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, cảm hóa thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên”.

Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những chuyển biến đáng kể, góp phần tích cực vào ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tinh thần trách nhiệm cùng với tấm lòng bao dung, rộng mở không chỉ của những người làm công tác cảm hóa mà cả gia đình, xã hội sẽ tác động tích cực, giúp các đối tượng lầm lỗi sớm nhận thức lỗi lầm, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hoàn lương, phục thiện để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết