Tiếng Việt | English

21/02/2018 - 14:30

Chung tay nâng cao chất lượng dân số

Sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan truyền thông đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các chiến dịch, mục tiêu dân số (DS). Nhờ vậy, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Long An đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng DS.

Chi cục DS-KHHGĐ Long An phối hợp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tập huấn kiến thức về dân số cho cán bộ, hội viên và phụ nữ tại các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp

Từ sự chung tay

Một trong những ngành, đoàn thể góp phần quan trọng trong thực hiện công tác DS là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, PN nắm và hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ được thực hiện gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của hội.

Năm 2017, hội phối hợp các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp PN và trẻ vị thành niên thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và nuôi dưỡng trẻ. Hội phối hợp Chi cục DS-KHHGĐ Long An tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về công tác DS cho 240 cán bộ, hội viên, PN các địa phương có khu, cụm công nghiệp: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.

Các cấp hội duy trì và phát triển tổ, các câu lạc bộ (CLB). Hiện, toàn tỉnh có 283 CLB Gia đình hạnh phúc với trên 9.000 thành viên; 286 CLB Không sinh con thứ 3 với 8.543 thành viên; 3.192 tổ PN Không sinh con thứ 3 với trên 35.400 thành viên và nhiều mô hình chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Các mô hình về CSSK, nuôi dạy con, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững,... phát triển đều khắp tại các địa phương, góp phần quan trọng trong giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, bên cạnh những kết quả, việc thực hiện công tác DS còn một số hạn chế. Đó là, công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động các mô hình chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Do đó, người dân chưa hiểu đúng về chính sách DS hiện nay. Năm 2018, hội tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Kế hoạch số 50, ngày 11- 01- 2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới.

Thành công của công tác DS còn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các địa phương. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Bùi Anh Văn cho biết: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân. Xã đưa các chỉ tiêu công tác DS vào nghị quyết Đảng ủy hàng năm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc đã thực hiện, chưa thực hiện và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập; kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng sinh nhiều con. Nhờ vậy, 7 năm liền (năm 2010 đến nay), xã không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là cách trực tiếp nhất nâng cao chất lượng dân số

Nhiều kết quả thiết thực

Nhờ sự chung tay của các ngành, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ các địa phương đạt nhiều kết quả thiết thực. Bến Lức là một trong những huyện quan tâm và thực hiện hiệu quả công tác CSSK nhân dân, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS, chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chính sách DS-KHHGĐ triển khai rộng khắp và thực hiện hiệu quả. Phong trào xây dựng quy mô gia đình có 2 con được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Các điều kiện thụ hưởng về văn hóa được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp xúc các thông tin trên mọi lĩnh vực.

Theo đó, nhận thức của người dân về công tác DS-SKSS có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu kế hoạch giao cơ bản đạt và vượt; tỷ suất sinh thô giảm 0,18‰ so với năm 2016, vượt 120% chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,3%, vượt 300% chỉ tiêu kế hoạch. Toàn huyện có 5 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 109 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS đạt và vượt kế hoạch giao,...

Ngành dân số phối hợp ngành giáo dục tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên  cho học sinh

Quyền Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Kiểu nhận định: “Đạt kết quả trên là nhờ các chiến lược, chương trình, mục tiêu phát triển DS-KHHGĐ luôn được quán triệt sâu rộng trong lãnh đạo các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hành động,... gắn với chỉ tiêu DS. 100% xã, thị trấn ban hành nghị quyết đưa chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố, hàng năm đều có chỉnh sửa, bổ sung phù hợp tình hình thực tế”.

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhận được sự đồng tình hưởng ứng của lãnh đạo các cấp, ngành và cộng đồng dân cư. Hoạt động truyền thông được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng. Chị Hồ Thị Ngọc Hà, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Được tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi quyết tâm thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, xây dựng gia đình ít con để có cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Có thể nói, việc nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS là cách trực tiếp nhất nâng cao chất lượng DS. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí, mở rộng xã hội hóa dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Theo đó, trung tâm triển khai các kỹ thuật làm Pap smear và VIA tầm soát ung thư cổ tử cung, soi cổ tử cung, siêu âm sàng lọc trước sinh,... Trung tâm còn thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm với sự tham gia của các trạm y tế xã và nhân viên khoa sản, đồng thời triển khai tư vấn giáo dục sức khỏe tại phòng khám phụ khoa, khám thai, KHHGĐ tại trung tâm và các trạm y tế xã.

Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - bác sĩ Phạm Thị Thúy cho biết: “Trung tâm Y tế huyện phối hợp chặt chẽ Trung tâm DS-KHHGĐ tham mưu Huyện ủy, UBND huyện trong việc chỉ đạo tuyến dưới và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Năm 2017, số PN đẻ tại cơ sở kỹ thuật là 105 ca. Trung tâm cung cấp dụng cụ tử cung cho 1.173/1.100 ca, đạt 106,6%; khám phụ khoa trên 2.700 ca, đạt gần 105%; điều trị phụ khoa trên 1.400 ca, đạt trên 109%; sàng lọc trước sinh 304/300 ca, đạt 101,3%; sàng lọc sơ sinh 105/105 ca đẻ, đạt 100%; khám sức khỏe tiền hôn nhân 1.012/550 trường hợp, đạt 184%”.

DS là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác DS là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cũng như góp phần phát triển KT-XH đất nước. Thời gian tới, nhiệm vụ này rất cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân.

- Năm 2017, chỉ tiêu biện pháp tránh thai của toàn tỉnh đạt 110,71% kế hoạch.

- Tỷ số mang thai ngoài ý muốn độ tuổi vị thành niên là 3,46%/tổng số trẻ sinh ra sống, đạt chỉ tiêu (dưới 8,5%).

- Năm 2017, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh là 13,07‰, giảm 0,06‰ so với năm 2016, đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ tăng DS tự nhiên là 0,635%, đạt chỉ tiêu giao (dưới 0,7%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 2,75%, giảm 0,37% so với năm 2016, đạt 370% kế hoạch; tỷ số giới tính khi sinh là 106,53 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ, giảm 2,02 điểm % so với năm 2016, đạt chỉ tiêu (dưới 108 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ).

- Toàn tỉnh có 69/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên, đạt 35,94%/tổng số xã, 95% kế hoạch./.

 

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết