Tiếng Việt | English

29/03/2018 - 14:31

Chung tay vì một thế giới không còn bệnh lao

Bệnh lao là bệnh gây tử vong cao thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV. Nhằm chung tay vì một thế giới không còn bệnh lao, ngành Y tế tỉnh Long An tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lao.

Nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh lao

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao có tên khoa học Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Những người có sức đề kháng yếu như người nhiễm HIV, bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, người già yếu, trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi,... có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn các đối tượng khác. Nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc lao ở người nhiễm HIV cao gấp 20-37 lần so với người không có HIV.

Toàn tỉnh hiện có 2.251 bệnh nhân (BN) mắc lao các thể (lao phổi, lao da, lao xương khớp, lao hạch, lao màng não), trong đó có 61 BN lao kháng thuốc. Đức Hòa là một trong những địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao. Hiện, toàn huyện có 496 người bệnh lao. Vì vậy, công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh lao.

Cán bộ y tế tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức trong thực hiện phòng, chống bệnh lao

Bà Đào Thị Tiết - BN đang điều trị bệnh lao tại Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Tôi điều trị bệnh lao được 4 tháng. Nhờ các y, bác sĩ nơi đây tận tình hướng dẫn, tôi uống thuốc đúng liều, đúng giờ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý nên sức khỏe cải thiện hơn trước”.

Xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa là địa bàn phát triển công nghiệp nên dân nhập cư đông, tỷ lệ người nhiễm lao nhiều. Việc khám sàng lọc, phát hiện BN mắc lao đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng.

Trưởng trạm Y tế xã Đức Lập Hạ - y sĩ Nguyễn Văn Đùa cho biết: “Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Chống lao Quốc gia, sự hợp tác của đội ngũ cộng tác viên và BN trong điều trị nên công tác phòng, chống lao tại địa phương thuận lợi. Qua điều tra dịch tễ học, xã kịp thời phát hiện số người mắc bệnh lao để điều trị và quản lý tốt. Tuy nhiên, do công nhân đi làm nên thời gian tiếp xúc, tư vấn ít. Đa số BN mắc lao là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn”.

Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi

Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Xét nghiệm đàm là cách tốt nhất xác định người mắc bệnh lao phổi. Người bệnh được xét nghiệm đàm và cấp thuốc miễn phí nếu được chẩn đoán bệnh lao tại cơ sở chuyên khoa lao thuộc Chương trình Chống lao Quốc gia hoặc các cơ sở y tế (công lập, tư nhân) có xác nhận của chương trình chống lao.

Xét nghiệm đàm là cách tốt nhất xác định người mắc bệnh lao phổi

Xét nghiệm đàm là cách tốt nhất xác định người mắc bệnh lao phổi

Việc dùng thuốc đúng, đủ, đều và phối hợp nhiều loại thuốc chống lao giúp người bệnh tránh bị kháng thuốc, ngộ độc do dùng thuốc quá liều, thuốc được hấp thụ tốt nhất và tránh tái phát bệnh. Ông Trương Văn Lạo (68 tuổi), ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, cho biết: “Tôi bị tức ngực, đi khám phát hiện bệnh lao. Tôi kiên trì điều trị, uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau 6 tháng điều trị theo phác đồ, bác sĩ cho biết, bệnh của tôi khỏi hẳn”.

Nếu người bệnh lao phổi không điều trị trong 1 năm có thể lây bệnh cho 10-15 người khác. Trong số đó, có người tiếp tục trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng. Bệnh lao nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng cách sẽ trở thành bệnh lao kháng thuốc, nguy cơ tử vong cao. Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy thông tin: “Để phòng bệnh, cần tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh, phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ em dưới 5 tuổi trong gia đình có người bệnh lao và người nhiễm HIV có thể được điều trị dự phòng lao theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Người nhiễm HIV cần tuân thủ việc khám, phát hiện bệnh lao trong các lần đến khám tại cơ sở phòng, chống HIV/AIDS hoặc cơ sở phòng, chống lao”.

Người nhiễm lao phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh lây lan trong cộng đồng

Người nhiễm lao phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh lây lan trong cộng đồng

Hiện, công tác phát hiện bệnh lao ban đầu còn thụ động. Người phụ trách chương trình chống lao tại các cơ sở y tế có trình độ không đồng đều, thay đổi nên việc quản lý bệnh còn khó khăn. Vì vậy, nhằm đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030, rất cần sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế và các cơ quan liên quan, đặc biệt là công tác tuyên truyền, sự phối hợp của các cơ sở y tế công và tư trong hoạt động phòng, chống bệnh lao. Bên cạnh đó, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về bệnh lao để phòng tránh. Đối với người nhiễm lao, phải tuân thủ điều trị nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh lây lan trong cộng đồng.

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (ho, khạc trên 2 tuần có thể kèm sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, tức ngực, khó thở, ho ra máu,...), người bệnh cần đến ngay cơ sở chuyên khoa lao để được khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

- Bệnh lao là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV (khoảng 1/4 số người nhiễm HIV tử vong do lao).

- Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng về lao cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc bệnh lao mới được phát hiện, 17.000 người tử vong do bệnh lao, trên 5.000 người mắc bệnh lao đa kháng thuốc, 8.000 người bệnh lao/HIV./

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết