Tiếng Việt | English

10/03/2019 - 20:01

Chung tay xây dựng quê hương

Long An có đường biên giới giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia) dài gần 133km, qua 20 xã của 6 huyện, thị xã: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Thời gian qua, người dân khu vực biên giới cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Gương mẫu hiến đất làm đường 

Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp trở lại xã biên giới Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tận mắt chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh phấn khởi: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương, diện mạo nông thôn xã biên giới ngày càng khởi sắc. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư, nhất là hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, sản xuất hiệu quả, đời sống ngày càng nâng lên”.

Dù bước sang tuổi lục tuần, mái tóc điểm sương nhưng ông Nguyễn Văn Tòng, ngụ ấp Ông Nhan Đông, vẫn tích cực vận động người dân hiến đất làm đường, nạo vét kênh, mương, thực hiện các phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Ông Tòng tâm sự: “Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình nên chưa đồng thuận hiến đất. Nhận thấy được điều này, khi thực hiện nạo vét kênh 3 kết hợp làm lộ giao thông nông thôn, gia đình tôi tự nguyện hiến 1.500m2 đất nhằm tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận của người dân. Nhờ vậy, từ con đường nhỏ, hẹp ban đầu, với sự đóng góp của người dân trong ấp, hôm nay tuyến đường được nâng cấp, mở rộng với mặt lộ 3m trải đá xanh”.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ML

Không những vậy, thấy lộ Quốc Phòng cũ nối ấp Ông Nhan Đông và xã Thạnh Trị thấp, sình lầy vào mùa mưa, người dân đi lại khó khăn nên ông Tòng “hiến kế” xin gốc rạ của các hộ dân trong ấp bán lấy tiền làm đường. Sau gần 2 năm bán gốc rạ (200ha) cho những hộ nuôi vịt chạy đồng, thu được 130 triệu đồng, ông mua đá xanh, thuê máy móc thực hiện công trình. Tuyến đường hoàn thành, ai nấy đều phấn khởi, trẻ em trong ấp đi học thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa của người dân cũng dễ dàng hơn trước.

Dọc theo 2 bên đường về xã biên giới Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng mùa này là những cánh đồng lúa bạt ngàn, bên cạnh những ngôi nhà mái ngói, mái tole mới mọc lên ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Minh Sang, ngụ ấp Láng Lớn, tỉa mấy chậu kiểng trước nhà, bộc bạch: “Từ các chương trình, dự án được đầu tư và sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, kết cấu hạ tầng của xã biên giới từng bước thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Láng Lớn, được biết đến là gương điển hình tình nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn. Trước đây, đoạn đường từ kênh Nông Trường đến đường tuần tra biên giới nhỏ, hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại của hàng chục hộ dân trong ấp. Ông Tuấn tự nguyện hiến hơn 3.000m2 đất và vận động người dân trong khu vực góp tiền cùng Nhà nước nâng cấp đoạn đường này với tổng chiều dài 1,2km, rộng 4m. Sau thời gian thực hiện, đoạn đường hoàn thành không chỉ người dân, học sinh và phương tiện lưu thông dễ dàng mà còn tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt nông thôn vùng biên.

Chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh, trật tự

Dù đường sá đi lại còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây luôn bảo đảm tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới. Chính trị viên đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây - Cao Xuân Hiền cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, biên phòng, quân sự (Nghị định 77, ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội) được duy trì, thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả cao. Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ ổn định, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Người dân khu vực biên giới thường xuyên được lực lượng biên phòng tuyên truyền về đường biên, cột mốc, an ninh, trật tự

Người dân khu vực biên giới thường xuyên được lực lượng biên phòng tuyên truyền về đường biên, cột mốc, an ninh, trật tự

Đồn Mỹ Quý Tây hiện quản lý gần 14km đường biên giới giáp huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, qua 2 xã biên giới: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông. Nhiều năm qua, mô hình Tiếng kẻng vùng biên và phong trào tự quản đường biên, cột mốc được duy trì, phát huy hiệu quả. Đến nay, mô hình này được nhân rộng 5/5 ấp biên giới, đông đảo người dân tham gia mô hình và đăng ký phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Qua đó, góp phần phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia; tình hình buôn lậu thuốc lá giảm sâu. Hiện nay, buôn lậu trên địa bàn không còn diễn ra quy mô lớn và hoạt động ngang nhiên, công khai gây bức xúc trong nhân dân như trước.

Là mảnh đất “phên giậu” nhưng mỗi lần đến khu vực xã biên giới Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, chúng tôi luôn cảm nhận được sự bình yên, gần gũi mật thiết giữa người dân 2 bên khu vực biên giới. Trưởng ấp Bình Bắc - Huỳnh Văn Phương cho biết, toàn xã có đường biên giới dài 4,5km giáp xã Tà Nốt, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng, với 2 cột mốc 202, 203 đều nằm trên địa bàn ấp Bình Bắc. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật và huy động sức mạnh của người dân trong tố giác, đấu tranh với tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc được lực lượng công an, quân sự, biên phòng chú trọng thực hiện. Đến nay, những hộ dân sinh sống khu vực biên giới ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc và xem đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của họ.

“Là người dân khu vực biên giới, tôi tự nhủ phải có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng bảo vệ bình yên biên giới, đường biên, cột mốc. Không chỉ lo chí thú làm ăn, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi còn phải có trách nhiệm giữ gìn, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hữu nghị với người dân nước bạn Campuchia; tuyệt đối không nghe theo những lời xúi giục, kích động của kẻ xấu làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, tình cảm gắn bó lâu đời của 2 nước” - ông Nguyễn Văn Cảo, ngụ ấp Bình Bắc, bộc bạch.

Từ sự đồng thuận, đóng góp của người dân, mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực biên giới từng bước được hoàn thiện, diện mạo nông thôn mới dần khởi sắc. Đặc biệt, với sự chung tay của người dân trong bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH, cải thiện cuộc sống người dân khu vực biên giới./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết