Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 18:36

Chương trình GDPT mới đảm bảo tính dân chủ, thực học thực nghiệp

Những mục tiêu và triết lý giáo dục thực học- thực nghiệp, dân chủ đều được thực hiện cụ thể trong nội dung các môn học ở từng cấp.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) của Bộ GD-ĐT cho biết, việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới tuân thủ đúng theo triết lý giáo dục là thực học- thực nghiệp và dân chủ.

Học sinh lớp 11 một trường THPT tại TP.HCM trong giờ học môn vật lý (ảnh: báo Thanh Niên).

Định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện theo đúng triết lý giáo dục của Việt Nam và thế giới hiện nay đó là thực học- thực nghiệp và dân chủ.

Cụ thể, chương trình mới được thiết kế vừa dạy kiến thức, vừa thực hành và thực hành nghề nghiệp cho học sinh; dạy kiến thức gắn liền với thực tiễn; đối với học sinh phổ thông sẽ thực hiện phân luồng, hướng nghiệp. Việc dạy và học đều lấy người học làm trung tâm, kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Các chương trình học được thiết kế mở, để đảm bảo quyền tự chủ của người học, quyền chủ động của địa phương, cơ sở giáo dục, bảo đảm không gian sáng tạo cho người viết sách giáo khoa và giáo viên.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, khẳng định, những mục tiêu và triết lý giáo dục thực học- thực nghiệp, dân chủ đều được thực hiện cụ thể trong nội dung các môn học ở từng cấp: “Mỗi môn học hiện nay phải làm sao phần thực hành phải là phần chiếm thời lượng rất lớn, học sinh được học, nhưng đồng thời cũng phải thực hành. Về nội dung giáo dục thì cũng có những môn học mới, những hoạt động giáo dục mới và những nội dung mới của những môn này. Ví dụ, hiện nay ở trường phổ thông có môn công nghệ, nhưng sắp tới có lẽ môn công nghệ này sẽ phải lấy một cái tên để nó rõ hơn định hướng thực hành, đó là công nghệ và hướng nghiệp. Cụ thể là ở tiểu học, chúng ta phải dạy học sinh từ kinh tế gia đình, rồi lên đến trung học cơ sở và trên nữa chúng ta phải dạy các em khởi nghiệp, dạy các em đạo đức kinh doanh”.

Từ việc thay đổi trong dạy và học nên phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập, phẩm chất năng lực của học sinh cũng sẽ thay đổi cho phù hợp. Việc đánh giá quá trình học tập của học sinh sẽ có những quy định cụ thể để đánh giá được các năng lực của từng học sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đánh giá học sinh./.

Minh Hường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết