Tiếng Việt | English

23/09/2015 - 17:21

Chút hoài niệm nhà xưa

Tại Đại hội thành lập Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh Long An, GS.TS Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội KHLS TP.HCM có phát biểu đề cập đến di tích Nhà trăm cột ở Long An mà ông đánh giá cao về giá trị lịch sử văn hóa của nó đáng được đưa vào sách sử và du lịch, khiến người viết phải hoài niệm về ngôi nhà xưa ấy,…


Toàn cảnh mặt trước Nhà trăm cột

Nhà trăm cột tọa lạc tại Long Hựu thôn (xã Long Hựu Đông nay), huyện Cần Đước, tỉnh Long An được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1997. Tôi đã nhiều lần đến đây gặp ông Trần Văn Ngộ (khi còn sống) và vợ ông - bà Nguyễn Thị Ngỏn - đều là cựu giáo chức. Qua chuyện trò với vợ chồng chủ nhân nhà này và đọc các tư liệu, xin tóm tắt một số nét và một ít cảm nhận sau đây.

Nhà trăm cột do ông Trần Văn Hoa - cụ nội ông Ngộ - đầu tư xây dựng. Ông Hoa là hương sư Ban hương chức hội tề làng Long Hựu và có chân trong Hội đồng địa hạt. Nhờ khai khẩn hơn 500ha đất lúa tốt, gặp lúc giá lúa xuất khẩu cao, ông làm giàu nhanh. Có tiền, ông đi Thủ Dầu Một (thời ấy còn giàu rừng) mua gỗ quý (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật…) mướn ghe chở về Cần Đước rồi thuê trâu kéo vào địa điểm xây cất.

Khởi công làm vào năm 1898 với 17 thợ mộc/nghệ nhân được ông Hoa rước từ Huế vào, bao ăn, ở và trả công bằng lúa (cả thảy 300 giạ) đến 1904 thì hoàn thành cả phần “xác” (nhà) và phần “hồn” (điêu khắc, chạm trổ). Tính ra, họ mất 2 năm làm nhà, 3 năm chạm khắc trên gỗ. Nhiều khi họ phải mắc võng trên xà nhà, treo mình trên mái nhà để nằm ngửa mà đục chạm từng nét hoa văn tạo hình chim muông, cây trái, cảnh vật,…

Ban đầu, nhà có 160 cột, diện tích xây dựng 882m2, về sau con ông Hoa (cha ông Ngộ) dỡ bán mất gian chứa lúa có 40 cột ở giữa 2 chái đối xứng (dấu tích còn lại hiện nay là phần nền), nên nhà chỉ còn 120 cột, tọa lạc trên khu đất vườn hơn 4.000m2.

Theo phân tích của giới chuyên môn, việc thiết kế Nhà trăm cột đã áp dụng hài hòa tính triết lý phương đông và thuật phong thủy, đồng thời lồng ghép tập quán kiến trúc Nam bộ. Điều đó cho thấy phú ông Trần Văn Hoa có óc thẩm mỹ của một nghệ sĩ trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đương thời. Giữa ông và 17 nghệ nhân xứ Huế cùng đưa ra ý tưởng để bàn bạc, thể hiện nó một cách sáng tạo, lưu lại cho đời sau cả một kho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trên gỗ mang phong cách vừa nhà rường Huế vừa pha lẫn sắc thái văn hóa dân gian Nam bộ. NTC kiến trúc kiểu xuyên trính với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, kết cấu tải trọng đều trên mỗi cột chịu lực của khối nhà. Mái rui, lợp ngói âm dương.

Có lần ông Ngộ đưa tôi đi từ trước ra sau, bên trong và bên ngoài ngôi nhà cổ đồ sộ này. Nhà 3 gian 2 chái (phổ biến ở Nam bộ), các vách ngăn đều bằng gỗ, có phần nội tự - ngoại khách, phần ở - sinh hoạt. Từ ngoài vào đã thấy gian thờ tự sáng màu xà cừ và sơn son, thếp vàng với đồ thờ đa dạng nào hoành phi, liễn, trướng,… tôn nghiêm, nội dung khuyên dặn con cháu sống theo cương thường đạo lý theo triết lý Khổng giáo, Phật giáo thấm đẫm tính nhân văn dân tộc. Hiện vật bày biện trong nhà có hai bàn quay, một bàn dài âm bên trái, một bàn dài dương bên phải, ở giữa là bộ tràng kỷ chạm điển tích nho sóc,…

Ở phần thờ tự có các bàn thờ bằng gỗ mun, gỗ lim. Các vách ngăn, vách lá gió, các vỉ kèo đều chạm trổ hoa trái, chim thú và hoa văn cẩn xà cừ. Nhìn chung, trang trí nội thất đều có phong cách cổ điển với một nghệ thuật điêu khắc thể hiện trình độ tay nghề thượng thừa. So nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận cùng thời ở Sa Đéc, thì nội thất Nhà trăm cột có vẻ đơn giản, ít cầu kỳ. Theo nhận xét của cố nhà văn Sơn Nam: “Tuy có trăm cột nhưng ý thức của chủ nhân là giữ gìn phận làm dân, không muốn tô điểm cho có vẻ quan to, vua chúa thời nhà Nguyễn bấy giờ về hình thức là cung điện”.

Thật vậy, đã mấy lần, tôi đến Huế lang thang trong các nhà vườn miệt Kim Long, Bến Ngự, Vĩ Dạ,… với hàng trăm dinh thự, phủ đệ của các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn, rồi về ngắm lại Nhà trăm cột ở Cần Đước mới thấy Sơn Nam nhận xét đúng. Ông còn nói nhà cổ ở miền Tây đặt “lổ bộ” với 2 hàng gươm giáo, tay văn tay võ, nắm câu chữ “hồi tị”, “túc tĩnh”, đôi khi còn có đại hồng chung hoặc 2 con ngựa gỗ nữa. Ở Nhà trăm cột thì không.

Nếu nói theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nhà vườn Huế “là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau” thì có lẽ Nhà trăm cột Cần Đước ý nghĩa cũng như vậy. Tiếc thay, vườn Nhà trăm cột khá tiêu điều, đầy cây tạp, cỏ hoang. Tuy đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa phần rui mái dột nát, nhưng các phần còn lại, nhất là cột kèo nhiều chỗ không tránh được sức tàn phá của thời gian.

Tiếng là địa chỉ du lịch nhưng cả đến đoạn lộ từ đường lớn vào Nhà trăm cột cũng chỉ là bờ đất hẹp quanh co, lồi lõm. Ước gì khu vườn rộng thế kia có bóng cổ thụ như vú sữa, xoài, mít…, có mấy hàng chậu kiểng cổ Nam bộ, thêm hòn non bộ trong bể cá cảnh trước sân nhà,…

Ở TP.Cần Thơ họ đã mua lại nhà cổ Bình Thủy dời trọn hồn cốt về khu du lịch Mỹ Khánh, thu hút đông đảo khách tham quan. Còn Cần Đước, Long An với 2 di tích cổ (Nhà trăm cột và đồn Rạch Cát) lẽ nào cứ để cho xuống cấp, hư hỏng mà không được đầu tư tôn tạo, bảo quản để lưu lại cho đời nay và đời sau chiêm ngưỡng?

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết