Tiếng Việt | English

23/06/2017 - 10:50

Chuyện bên ngoài phòng thi

Ngày đầu tiên diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, những câu chuyện cảm động bên ngoài phòng thi làm ấm lòng các thí sinh (TS). Đó là những suất cơm, chai nước, chuyến xe miễn phí đưa đón TS đi, về trong những ngày thi,...


Giáo viên ôm chầm học sinh của mình khi nghe các em nói làm tốt bài thi môn Ngữ văn

Ấm áp những suất cơm nghĩa tình

Kết thúc môn thi đầu tiên, đến dùng cơm miễn phí cùng các bạn, em Trần Thị Kim Ngân - học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chu Văn An (huyện Cần Đước), xúc động: “Nhờ được hỗ trợ ăn uống, nghỉ ngơi, em bớt lo lắng. Các món ăn rất ngon, bảo đảm chất lượng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy thông tin: Huyện có 6 điểm thi (ĐT), mỗi ĐT đều tổ chức nấu ăn miễn phí phục vụ TS. Cụ thể, Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huyện phối hợp nấu 1.700 suất cơm trưa miễn phí trong 2 ngày thi (22, 23-6), mỗi suất 30.000 đồng. Bên cạnh chăm lo bữa ăn, huyện còn hỗ trợ 84 TS là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 100.000 đồng. Những TS nhà xa, đi lại khó khăn, huyện bố trí chỗ nghỉ tại các ĐT.

Rời phòng thi, hơn 70 TS có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa tại ĐT đặt tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An đến ký túc xá của trường nghỉ ngơi, ăn cơm trưa. Những suất cơm chứa đựng tình cảm, sự động viên, chia sẻ với TS. Em Bùi Bạch Thanh Xuân - TS thuộc ĐT Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ: "Thấy các anh chị đoàn viên tất bật phát cơm, nhiệt tình hỗ trợ TS, em cảm thấy an tâm và rất xúc động, gia đình cũng đỡ lo lắng trong mấy ngày thi".

Tại các ĐT ở thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn vận động hội viên, mạnh thường quân đóng góp trên 17 triệu đồng nấu 700 suất ăn phục vụ TS trong các ngày thi. Nhiều phụ nữ tạm gác việc nhà, tham gia nấu ăn cho các sĩ tử. Chị Trần Thị Vanh - hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thủ Thừa, cho biết: “Cũng là một người mẹ, tôi hiểu cảm giác của phụ huynh khi có con đi thi, nhất là các cháu ở xa. Do đó, chúng tôi cố gắng nấu ăn thật ngon, bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh với đủ 3 món cơm, canh và món mặn. Hy vọng các em có đủ sức khỏe, an tâm làm bài thật tốt!”.

Không trực tiếp nấu những bữa ăn miễn phí, Chi hội Chữ thập đỏ Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Đức Hòa) đặt 25 suất cơm, mỗi suất 20.000 đồng hỗ trợ các TS nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn của trường trong 2 ngày thi. Em Hồ Thị Minh Hiếu - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, tâm sự: “Nhà xa, nếu đi về mất gần 1 tiếng nên em ở lại trường nghỉ ngơi, ăn uống để kịp giờ thi buổi chiều. Nhận được phần cơm miễn phí của trường, không phải ra ngoài ăn cơm tiệm, nên em
rất vui!”.


Nhiều điểm thi trên địa bàn tỉnh hỗ trợ phục vụ các bữa ăn miễn phí cho thí sinh

Tiếp sức mùa thi

6 giờ 15 phút, ngày 22-3, những học sinh của Trường THCS và THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) có mặt tại ĐT Trường THPT Đức Huệ. “Đó là nhờ có xe đưa rước miễn phí mỗi ngày thi. Nếu đi bằng xe máy, từ nhà em ra đến ĐT phải mất 1 giờ. Đi xe đưa đón vừa thuận lợi lại không lo trễ giờ. Buổi trưa, chúng em còn được tạo điều kiện nghỉ lại ký túc xá của Trường THPT Đức Huệ” - TS Lê Thị Phướng, Trường THCS&THPT Mỹ Bình, nói với giọng phấn khởi.

Ở huyện Tân Hưng, ngoài 46 phần quà bằng tiền mặt (mỗi phần 250.000 đồng) và 130 suất ăn trưa miễn phí hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn của Hội Khuyến học huyện, xã, Huyện đoàn Tân Hưng còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 600 chai nước lọc và phát tận tay các TS. Riêng Trường THCS&THPT Hưng Điền B phối hợp địa phương, Hội Phụ huynh học sinh, Hội Khuyến học xã thuê phương tiện đưa rước, hỗ trợ ăn trưa, ăn chiều và chỗ ở miễn phí cho 62 TS của trường. Em Nguyễn Thị Tiểu Băng - học sinh lớp 12A2, Trường THCS&THPT Hưng Điền B, chia sẻ: “Được nhà trường hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở, em vui lắm! Nhờ sự hỗ trợ này, em an tâm tập trung cho kỳ thi”.

Ngoài các hoạt động trên, tại các ĐT, những chiếc áo xanh tình nguyện cũng trực sẵn, hỗ trợ kịp thời khi TS cần. Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn - Võ Thị Giáng Hương cho biết: “Đoàn trường chuẩn bị 6 thùng nước trà đá đường phục vụ các em. Trước ngày thi, đoàn viên, thanh niên vệ sinh ký túc xá sạch sẽ, hỗ trợ chiếu cho các em nghỉ ngơi”.

Theo chân sĩ tử

Trống trường báo hiệu gần hết giờ làm bài môn thi Ngữ văn, trước cổng ĐT Trường THPT Hậu Nghĩa, một số giáo viên bồn chồn, đứng ngồi không yên. Nét mặt lo lắng, giáo viên đợi chờ kết quả làm bài từ học sinh. Hỏi thăm từng em, ôm chặt từng TS vào lòng, các cô ân cần hỏi: “Làm bài được không?”. Nghe câu trả lời “Em làm được!” của các em, các cô vỡ òa niềm vui. Cô Nguyễn Thị Ngọc Nhựt - giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa, chia sẻ: “6 giờ sáng, tôi đến trường, đứng ngoài cổng đợi học trò để hỏi thăm kết quả làm bài. Nghe em nào làm bài cũng tốt, tôi an tâm và mừng lắm! Không chỉ tôi mà các giáo viên khác cũng theo chân học sinh để động viên tinh thần các em”.

Hình ảnh người thầy chở một học sinh tật nguyền tên Huỳnh Văn Duy, lớp 12A2, Trường THCS&THPT Hưng Điền B, đến ĐT Trường THPT Tân Hưng khiến mọi người xúc động. Dù được miễn thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nhưng Duy vẫn đăng ký dự thi để lấy điểm xét vào ngành Xã hội học của Trường Đại học Cần Thơ. Duy nói rằng: “2 tay, 2 chân bị teo, suốt 12 năm, em đến trường nhờ vào sự đưa đón của cha mẹ, bạn bè. Đến ngày thi, nhà trường đón em từ chiều hôm trước, đưa về ở gần ĐT và mỗi sáng, thầy đến chở đi thi. Đây là động lực để em cố gắng thi đạt kết quả tốt”.


Huỳnh Văn Duy - học sinh khuyết tật được thầy giáo chở đến điểm thi

Cùng với giáo viên, những người cha, người mẹ có con tham gia kỳ thi cũng gác việc nhà theo chân sĩ tử suốt ngày thi. Ở nhà không an tâm, chị Đặng Thị Kim Huê, ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa theo con ở trọ gần ĐT Trường THPT Hậu Nghĩa. Chị Kim Huê bảo rằng: “Ngày thi đầu tiên, tôi dậy từ 5 giờ, nấu cơm, nước sâm mang theo đến phòng trọ cho con gái và các bạn cùng phòng dùng. Dù quen chuyện ở trọ trong suốt năm học chính khóa nhưng có mẹ bên cạnh động viên, chăm sóc, con gái sẽ tự tin hơn”.

Mặc cơn mưa lất phất, các phụ huynh vẫn chờ con. “Gia đình khó khăn, vợ chồng tôi lên Vĩnh Hưng làm ruộng và gửi con cho ông bà nội chăm sóc. Mấy ngày thi, tôi tranh thủ về đưa rước, động viên để con thêm tự tin, làm bài tốt. Tôi luôn hy vọng, con mình học tập thành tài để có cuộc sống ổn định hơn cha mẹ” - ông Nguyễn Công Bằng, ngụ ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa chia sẻ.

Những câu chuyện cảm động ngoài phòng thi là động lực để các sĩ tử tự tin “vượt vũ môn”. Những câu chuyện ấy vẽ nên nét đẹp mùa thi bằng sự quan tâm, chia sẻ./.

Nhóm phóng viên

Chia sẻ bài viết