Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 21:11

Chuyện chàng “chăn dê”

Cũng như bao nông dân khác, anh Huỳnh Duy Hưởng ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An luôn gắn bó với ruộng vườn. Anh là người luôn tìm tòi cái mới, đi đầu trong lao động, sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Anh Huỳnh Duy Hưởng giới thiệu về con dê mới sinh

Khi chúng tôi tìm đến nhà, anh Hưởng đang cắt cỏ cho hơn 70 con dê đang đòi ăn trong chuồng. Khi làm việc gì, anh cũng đầu tư, tìm hiểu tận tường, “chuyên nghiệp” mới thôi.

Từ khi cây thanh long mới “bén duyên” với đất Châu Thành, nhà có 9.000m2 đất, anh đầu tư trồng thanh long kết hợp nuôi bò và nuôi trùn quế. Các mô hình đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm 2011, anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

Tuy nhiên, không vì vậy mà tự mãn, anh vẫn luôn tìm hiểu, học hỏi những mô hình mới giúp phát triển kinh tế gia đình. Khi thấy điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp với con dê, anh mạnh dạn chuyển đổi. Ban đầu, từ vài dê nái, anh nhân đàn lên đến trên 70 con dê. Trong quá trình nuôi, anh không ngừng tìm hiểu thông tin từ người đi trước, sách, báo, Internet,... để chăm sóc đàn dê. Hơn 70 con dê trong chuồng nhưng anh có thể kể rõ “tính nết” từng con, thấy con dê nào “buồn buồn” là anh biết ngay nó bị gì!

Anh mạnh dạn trồng xen so đũa giữa vườn thanh long làm thức ăn cho dê. Anh nói: “Trước khi trồng thanh long bằng trụ xi măng thì nông dân vẫn trồng bằng trụ cây xanh nên có một chút bóng râm, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất thanh long. Tôi trồng so đũa làm nguồn thức ăn cho dê, cây cũng không tạo bóng nhiều”. Nhờ vậy, anh có thể duy trì song song 2 mô hình nuôi dê và trồng thanh long với mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh “bật mí” thời gian tới, sẽ xem xét việc “chuyên môn hóa” một mô hình để có điều kiện chăm sóc tốt. Anh cho rằng, quan trọng là cải tiến phương pháp làm việc, bớt sức lao động, nâng cao năng suất.

Với chừng ấy công việc, cứ ngỡ vợ chồng anh Hưởng không còn thời gian cho những việc khác. Vậy nhưng, anh vẫn luôn có mặt trong các hoạt động công ích tại địa phương. Là Bí thư Chi đoàn ấp suốt 4 nhiệm kỳ, anh được thanh niên địa phương yêu mến và tín nhiệm. Anh không chỉ nhiệt tình khi làm việc mà còn rất “thiệt tình” khi chia sẻ kinh nghiệm với anh em, hàng xóm.

Gần đây, thông tin về các vụ đuối nước trẻ em được đưa liên tục trên tivi khiến anh Hưởng không thôi day dứt. Anh nói: “Nghe mà đau lòng quá! Tôi gom mấy đứa nhỏ trong ấp lại, dạy cho tụi nó bơi. Dân vùng sông nước, không biết bơi không được!”. Anh mua áo phao cho các em và mỗi ngày dành ra 1 tiếng dạy bơi. Hơn 10 em nhỏ từ 9 tuổi trở lên vừa “tốt nghiệp” lớp bơi nhà “thầy” Hưởng.

Vậy đó, dù suốt ngày “luôn chân, luôn tay” nhưng anh Hưởng vẫn có thời gian quan tâm và làm những điều ý nghĩa cho xã hội. Lúc tạm biệt anh, chúng tôi thấy mấy chậu lan nhà anh đang bung nở, hoa nào cũng đẹp, như chính cách sống của vợ chồng anh./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết