Tiếng Việt | English

20/02/2020 - 11:46

Chuyện chiếc khẩu trang... bên lề

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, nhiều người tìm mua khẩu trang y tế để bảo vệ mình. Khi các cửa hàng không đủ khẩu trang y tế để bán thì bên lề đường, khẩu trang y tế đã qua sử dụng vương vãi khắp nơi.

Khi sử dụng khẩu trang y tế, người dân cần đeo và xử lý khẩu trang đã sử dụng đúng cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng

Khi sử dụng khẩu trang y tế, người dân cần đeo và xử lý khẩu trang đã sử dụng đúng cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng

Trên nhiều tuyến đường, khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt lẫn trong cỏ bên lề đường, gần nắp cống hoặc cạnh thùng rác. Trên tuyến Đường tỉnh 827B thuộc huyện Châu Thành, nhiều đoạn khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi hai bên lề đường. Khoảng 1 mét lại có 1 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bỏ. Chị Trần Huỳnh Bảo Trân (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bức xúc: “Mọi người đeo khẩu trang y tế để bảo vệ mình nhưng lại không thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế thì tôi nghĩ đeo khẩu trang như vậy không có ý nghĩa”.

Nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh, khẩu trang y tế cũng bị vứt tràn lan, ảnh hướng đến môi trường, mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật. Khu vực nội thành, công nhân vệ sinh thường xuyên quét đường thì đường phố cơ bản được giữ gìn. Nhưng trên các tuyến đường ngoại ô, hình ảnh khẩu trang y tế qua sử dụng vứt lung tung bên vệ đường không khó phát hiện.

Khẩu trang y tế dùng bảo vệ người đeo khỏi giọt bắn mang virus, khi đã qua sử dụng tất nhiên mang nhiều mầm bệnh. Trong tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một chiếc khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi là một mầm mống lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng.

Người dân sử dụng khẩu trang y tế để bảo vệ mình khỏi virus gây bệnh, nhưng nếu không sử dụng và xử lý đúng cách thì khẩu trang y tế chỉ “mang tính minh họa”. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau khi sử dụng, người dân chỉ nên tháo khẩu trang bằng cách cầm ở dây đeo qua tai, cho khẩu trang vào thùng rác đậy nắp kín và rửa sạch tay. Nếu sử dụng khẩu trang không đúng cách vô tình khiến việc đeo khẩu trang bị phản tác dụng. Sử dụng khẩu trang y tế một cách “vô tội vạ” còn tạo ra gánh nặng cho môi trường và tài chính của người sử dụng.

Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân chỉ nên đeo khẩu trang y tế khi: Tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi,... và khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Không nên tạo cho mình cảm giác “yên tâm ảo” rồi bỏ qua các bước phòng ngừa dịch bệnh quan trọng khác: Rửa tay, tăng cường đề kháng,…

Trên các tuyến đường ngoại ô, không khó phát hiện hình ảnh khẩu trang y tế qua sử dụng vứt lung tung bên vệ đường

Trên các tuyến đường ngoại ô, không khó phát hiện hình ảnh khẩu trang y tế qua sử dụng vứt lung tung bên vệ đường

Người dân nên cân nhắc khi sử dụng và xử lý khẩu trang y tế sau khi đã dùng xong. Tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cách làm tốt nhất để bảo vệ bản thân, hơn là đổ xô mua khẩu trang y tế nhưng lại đeo không đúng cách và vứt bỏ vô ý thức.

Mới đây, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông cho người dân biết về cách sử dụng khẩu trang; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vứt bỏ khẩu trang y tế nói riêng và rác thải nói chung không đúng nơi quy định. 7 triệu đồng cho một lần vi phạm là con số đủ sức răn đe, để người dân nhìn vào đó tự nâng cao ý thức.

Chiếc khẩu trang y tế nhỏ gọn là “vệ sĩ” đắc lực giúp người dân bảo vệ sức khỏe khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và không có ý thức thì “vệ sĩ nhỏ” sẽ vô tình “hại chủ” ở cả 2 phương diện: Sức khỏe và tài chính!

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết