Tiếng Việt | English

25/05/2020 - 14:57

Chuyện 'cổ tích' giữa đời thường

Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, cùng những phức tạp trong xã hội, ta vô tình bắt gặp đâu đó những trái tim nồng ấm, dung dị giữa đời thường. Để rồi chúng ta thấy được những con người vốn dĩ rất "bình thường" ấy đã làm những việc hết sức "phi thường" mà không một chút vụ lợi, riêng tư.

Chị Hồ Thị Ngọc bên cậu con trai út

Chị Hồ Thị Ngọc bên cậu con trai út 
Làm mẹ ... ngẫu nhiên

Trong căn phòng trọ Kiến Thành tầm 16m2 tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An,12 năm qua là "tổ ấm" của 3 mẹ con chị Hồ Thị Ngọc, SN 1967. Khi chúng tôi đến, cậu bé 12 tuổi đang viết bài, nhanh nhảu: "Để con gọi mẹ!". Chúng tôi biết đến hoàn cảnh của chị cũng thật tình cờ qua một lần cùng đoàn cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đến trao tặng quà cho công nhân, lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chị Hồ Thị Ngọc với nụ cười tươi trên môi khiến cho bất cứ ai lần đầu tiếp xúc cũng có cảm giác dễ gần, dễ mến. Chị Ngọc tâm sự: "Quê tôi ở ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Gia đình có cả chục người con và tôi là con gái út. Vì nhà nghèo, đông anh em nên tôi không được học hành gì nhiều. Năm 2008, tôi lên quận 2, TP.HCM theo anh, chị đi làm thuê vì có mấy người chị lấy chồng trên đó. Tôi và má thuê một căn phòng trọ gần nhà mấy chị gái và bắt đầu cuộc mưu sinh.

Gần phòng trọ tôi là một đôi vợ chồng với đứa con trai 5 tuổi và cô vợ đang mang thai đứa bé thứ 2. Mọi chuyện có lẽ sẽ không có gì cho đến khi cô vợ mất sau hơn 1 tháng sinh con vì bệnh nặng. Sau khi hoàn tất các thủ tục hỏa táng người vợ trẻ xấu số, người chồng lẳng lặng mang tro cốt về Bắc (nghe đâu ở tỉnh Thái Bình hay Hưng Yên gì đó) rồi bặt tin luôn. Không nỡ nhìn 2 đứa trẻ (một đứa mới 5 tuổi và một đứa chỉ hơn 1 tháng tuổi) khóc ngằn ngặt vì đòi mẹ, tôi và má đành mang về phòng trọ chăm sóc. Vậy mà mới đó đã 12 năm. Giờ thằng bé Lương Đạt Phát được 12 tuổi, còn thằng anh tên Lương Phát Đạt đã 17 tuổi. Cả hai đứa đều gọi tôi là mẹ, còn má tôi là bà ngoại. Cách đây 6 năm, má tôi mất vì tuổi cao. Vậy là từ đó, 3 mẹ con rời quận 2, TP.HCM về xã Long Cang, huyện Cần Đước thuê trọ, nương tựa vào nhau cho đến giờ".

Lúc chúng tôi đến, cậu bé Lương Phát Đạt đang đi làm công cho một cơ sở in ấn bao bì tư nhân gần khu nhà trọ. Được biết, mỗi tuần, chủ trả bao nhiêu tiền cậu bé cũng đều đưa hết cho mẹ. Còn cậu em Lương Đạt Phát thì quẩn quanh bên mẹ trong phòng trọ những ngày tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Khi được hỏi có nhớ bố không, cậu bé trả lời: "Dạ không!". Chúng tôi hỏi tiếp, giả sử giờ bố quay trở lại đón con, con có theo bố không? Vẫn giọng nói hồn nhiên nhưng vô cùng lễ phép: "Dạ không, con chỉ ở với mẹ. Giờ bà ngoại mất rồi nên anh em con phải ở bên mẹ. Mai mốt con lớn như anh Hai, con cũng sẽ đi làm để lo cho mẹ". Có lẽ, niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với chị Ngọc chỉ cần có thế.

Chị Ngọc chia sẻ: "Năm 19 tuổi, ở dưới quê cũng có nhiều người dạm hỏi, không hiểu sao đám nào tôi cũng từ chối để rồi "trôi dạt" lên tận đây. Dường như là định mệnh khiến tôi gặp hai đứa nhỏ này. Và rồi biến cố cuộc đời đã khiến tôi gắn bó cuộc đời mình với chúng nó đã 12 năm. Tôi nghĩ, suốt cuộc đời này mình sẽ không lập gia đình, mà ở vậy với 2 con. Tôi cầu mong mình có đủ sức khỏe để làm thuê kiếm tiền lo cho 2 con. Nhưng khổ nhất là 2 đứa nhỏ mất mẹ đột ngột, cha bỏ đi luôn không cách nào liên lạc được. Giờ thằng lớn 17 tuổi, thằng nhỏ 12 tuổi rồi nhưng vẫn không có giấy khai sinh và bất cứ giấy tờ gì. Tôi cũng đã về quê xin làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho thằng nhỏ nhưng không có giấy chứng sanh nên người ta không làm được. Không biết tương lai của 2 con tôi rồi sẽ ra sao nữa. Hiện tại, tôi đang mượn tạm giấy khai sinh của con người chị ruột ở Tiền Giang tên Nguyễn Hoài Nhân cũng 12 tuổi cho thằng bé Lương Đạt Phát đi học ở Trường Tiểu học Long Cang, huyện Cần Đước. Nhưng mai kia cháu lớn hơn, tôi không biết phải làm sao...".

Hết lòng chăm lo cho con

Mỗi ngày của người mẹ "bất đắc dĩ" này bắt đầu từ lúc 5 giờ và thường kết thúc vào khoảng 23 giờ. Sáng dậy đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa con tới trường rồi ai thuê gì làm nấy, buổi tối về chị lại tất bật lo cơm nước cho cậu con trai lớn đi làm ca đêm. Giờ 2 thằng bé đã lớn nên đỡ vất vả hơn. Nhưng lúc trước khi má chị mất, mấy mẹ con trả nhà trọ trên quận 2, TP.HCM và "trôi dạt" về Cần Đước thuê trọ ở để tìm việc làm, có lúc chị Ngọc phải mang theo 2 con lên tận Lương Hòa, Lương Bình, huyện Bến Lức làm mướn cho mấy hộ trồng chanh. Đi làm mướn tới đâu, chị xin chủ cho cất chòi tạm trên ruộng họ để ở, mấy mẹ con cứ thế lầm lũi vượt qua những tháng ngày tăm tối nhất. Lúc đó, thằng nhỏ bị bệnh hẹp van tim, bao nhiêu tiền làm được, chị đều dành dụm mua thuốc cho con. Năm trước, may mắn có người biết được hoàn cảnh của mẹ con chị nên vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho cậu bé được mỗ tim miễn phí nên giờ đã ổn.

Vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng niềm an ủi của chị Ngọc chính là 2 đứa con trai rất ngoan, lễ phép và yêu thương mẹ. Hôm chúng tôi đến, chị Ngọc chỉ cho chúng tôi xem trên chiếc tủ nhựa nhỏ ở góc phòng có một bàn thờ với tấm di ảnh một phụ nữ còn rất trẻ. Chị cho biết: "Hồi bố 2 thằng nhỏ ôm hũ tro cốt vợ bỏ đi, thằng lớn chỉ mới 5 tuổi, thằng nhỏ còn ẵm ngửa. Lúc đó, tôi và má mang 2 đứa sang phòng mình nuôi luôn. Ông ấy đi biệt tích, không để lại bất cứ món đồ gì về mẹ của chúng để tôi kể lại cho chúng biết. May sao hôm rồi lục được trong cái giỏ cũ nát lúc dọn phòng trọ về đây, tôi tìm thấy tấm ảnh thẻ của mẹ 2 thằng bé nên nhờ người ta rửa to hơn một chút để thờ và cho 2 đứa biết mặt mẹ ruột của mình. Tội nghiệp quá! Dù không sinh ra nhưng khi đã nhận nuôi, tôi xem như con ruột và sẽ có trách nhiệm đến cùng. Niềm mơ ước của tôi bây giờ là làm sao làm được giấy tờ cho 2 đứa con. Thằng lớn không có giấy chứng minh nhân dân, thằng nhỏ không có giấy khai sinh, tương lai của chúng rất mờ mịt".

Công việc làm thuê, làm mướn vất vả, mệt mỏi đến đâu nhưng mỗi khi trở về căn phòng trọ nhỏ, được quây quần bên các con, mọi thứ như tan biến, hạnh phúc đối với chị Hồ Thị Ngọc đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi. Nghèo khó, ít học, phải tha phương cầu thực, nhưng trước nghĩa cử cao đẹp của người phụ nữ ấy, bất cứ ai khi biết được chắc phải cúi đầu khâm phục. Chị đã góp phần viết nên một câu chuyện "cổ tích" giữa đời thường./.

Đông Đông

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích