Tiếng Việt | English

03/01/2018 - 14:19

Chuyện của ngư dân Mười Xi

Một góc khu neo đậu tránh trú bão Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)

1.Thắp lên bàn thờ vợ một tuần nhang nữa, ngư ông Mười Xi khó nhọc nhấc từng bước ra cửa, đưa ánh mắt buồn rười rượi thẫn thờ nhìn ra biển. Biển ở ngay trước nhà ông vốn xưa vợ chồng ông cùng đông đảo ngư dân miền Trung dạt về đây tìm biển sống, rồi ai nấy tiện đâu cắm dùi ở đó, lâu ngày thành một làng chài đông đúc. Căn nhà Mười Xi làm bằng ván bổ kho nằm chênh vênh trên gò cát cao, lúc nào cũng nghe âm vang biển gọi.

Sáng nay, vừa mở đài, ông nghe tin một cơn bão đang hùng hổ tiến vào vùng biển phía Nam với cường độ rất mạnh và diễn biến phức tạp làm lòng dạ ngư ông mãi bồn chồn. Trong mắt ông bây giờ, biển đang động, xám xịt một màu khói sóng. Khu neo đậu tránh trú bão trong bờ, ghe tàu đi biển tiếp tục nối nhau vào khu mà sao ghe thằng Tỷ chưa thấy vào? Rồi ngư ông nhớ lại cái ngày định mệnh của 20 năm trước, ngày 02/11/1997, với cơn bão Linda (số 5) lịch sử như một nỗi kinh hoàng ám ảnh mãi tâm thức ông.

2. Vâng, 20 năm trước, Mười Xi 40 tuổi và vợ 35 tuổi, còn thằng Tỷ mới lên 5. Khuya hôm ấy, vợ dậy nấu cơm cho chồng ăn để kịp đi biển như mọi lần. Rồi không biết sao, vợ mãi năn nỉ xin chồng cho đi theo ra biển. “Tui cũng con ngư dân như ông, 10 tuổi ra biển kéo lưới với ông già rồi chớ bộ. Tui biết bơi mà!”.

Mười Xi thương vợ lắm. Thuở ấy, vợ chồng vào góc biển này mưu sinh chỉ có mỗi cái thúng đi biển. Vào những đêm tối trời, Mười Xi đem thúng đi với nhóm câu mực, thuê một chiếc ghe bầu chở người và thúng ra khơi. Ghe thả thúng mỗi nơi một cái, mỗi cái có một người, một đèn câu, đơn độc giữa trùng khơi. Khi có mưa to, gió lớn, ghe bầu cứ nhắm cái đèn câu mà chạy tới vớt thúng và người đưa về nơi tránh trú bão an toàn. Nếu thúng nào bị sóng gió làm tắt đèn, ghe không biết đâu để đến vớt thì kể như “mất tích” luôn! Bây giờ, vợ chồng làm ăn đã khá, sắm được ghe 45 mã lực, nghĩ cũng nên để vợ đi để cùng câu mực cho vui.

Đêm hôm ấy, ghe rẽ sóng ra khơi trong màn đêm bao phủ. Đến ngư trường cách bờ hơn 200 hải lý, mặt biển lặng như nước hồ thu. Còn gì thích thú hơn khi ngồi trên ghe buông dây câu có chùm kim tuyến xuống đáy biển! Khi sợi dây câu động đậy là lúc mực bấu râu vào chùm kim tuyến thì người câu phăng dây kéo lên và đưa vợt ra xúc lấy mực. Mỗi lần câu kéo lên được cả chùm mực to. Kinh nghiệm cho thấy, chỗ nào buông câu xuống mà kéo lên cả chùm mực to như vậy thì chỗ ấy, dân câu mực gọi là mực lỗ. Dưới đáy biển có nhiều lỗ (chớ không phải hang) cho họ hàng nhà mực cư trú. Một lỗ mực có thể câu được bốn - năm tạ mực loại 1 nên ai cũng ham.

Trong lúc say mê với mực lỗ, không ai để ý gì dù vẫn nghe gió mỗi lúc một mạnh lên. Rồi những ngọn sóng to nối nhau bổ nhào lên ghe khiến ghe chao nghiêng và nước biển có sóng hỗ trợ tràn vào ghe khiến vợ phải dừng tay câu để tát nước ghe, còn chồng thì lật đật bước vào cabin mở máy bộ đàm để nghe tin tức trong bờ báo ra. Tin cho biết, bão số 5 (bão Linda), đang đổ bộ vào biển Tây Nam bộ với cường độ cấp 8, cấp 9,... giật cấp 12, cấp 13...; kêu gọi mọi phương tiện đánh bắt phải cấp tốc tìm nơi neo đậu tránh trú bão. Mười Xi buông máy bộ đàm, hét toáng lên bão bão và chạy bổ xuống kêu vợ: “Bão rồi! Bão to lắm rồi!”...

Kỳ lạ, mực lỗ càng bão to, chúng càng trồi lên từng bựng lớn, con nào con nấy đưa râu xoắn lấy nhau xoay bòn trên đầu sóng và người câu chỉ việc đưa vợt ra xúc lấy mực đổ vào lòng ghe thật ngon ăn, khiến vợ chồng Mười Xi mải mê hút vào đó mà quên việc phải cấp tốc chạy bão. Cho tới lúc sóng ập vào lòng ghe đầy nước, Mười Xi mới sực tỉnh, nhổ neo và phóng vào cabin lấy tọa độ rồi rồ máy nhắm hướng Côn Đảo mà lao ghe tới. Nhưng giờ đây, sức lao của ghe 45 mã lực hoàn toàn bất lực, bị sóng gió đẩy lùi.

Mặt biển chiều chợt tối sầm lại, lấp lóa từng bầy sóng trắng như loài ngựa hoang tung bờm phóng chạy hỗn loạn. Khi thấy một khối đen to lớn phía xa kia rõ dần, Mười Xi liền ném 2 cái vỏ can nhựa (loại 30 lít đựng dầu chạy máy tàu) cho vợ và hét: “Bơi vào đảo đi!”, nhưng bị sóng quăng quật khiến chiếc ghe hụp xuống dưới chân sóng dữ. Mười Xi bị sóng tát tới tấp lên mặt đến ngạt thở, sặc sụa liên hồi vẫn cố ghì lấy bánh lái tàu. Hốt nhiên, một ngọn sóng như trái núi bổ nhào xuống cabin và Mười Xi cùng cabin rơi xuống biển cùng lúc chiếc ghe gỗ lật úp, chìm nghỉm xuống biển.

3. Mười Xi giờ đã vào tuổi 60, là vai em bà con bên ngoại của tôi, kéo tôi ngồi xuống sàn nhà. Mâm đồ ngư ông cúng vợ vừa dọn xuống đơn giản có mấy món hải sản. Cũng vừa lúc, thằng Tỷ đi biển về tới. Bất giác, Mười Xi bật lên như cái lò xo, lao tới ôm lấy thằng Tỷ, mừng đến vỡ òa tiếng khóc. “Ba sợ mày về không kịp, bị bão...”, Mười Xi ôm ghì lấy con trai như sợ nó tan biến với sóng biển ngoài khơi. Thằng Tỷ bây giờ là một ngư phủ cường tráng, gan lì với biển cả. Nó đi sóng, về gió một cách hiên ngang. Nó nói, con có đem về một bao hàu đây, để con nướng cho bác và ba nhậu chơi! Rồi nó đi lấy lò than để làm việc ấy.

Mười Xi lau nước mắt, cười. Thôi, con về nhà được là ba an tâm rồi. Quay sang tôi, Mười Xi nói: "Bà xã tui bị bão hất xuống biển mà tui đâu có hay! Trời ơi, 20 năm rồi... bà ấy vẫn nằm dưới biển...". Bất chợt, Mười Xi òa lên khóc. Thằng Tỷ ngừng tay nướng hàu, nói "Thôi ba! Má đi 20 năm rồi... Cha con mình còn sống đây là may". Mười Xi uống cạn ly rượu, rồi nói “Tui tưởng bị bão nuốt trôi ngoài biển rồi, ai dè trời còn thương, chỉ bị bão đánh rớt từ cabin ghe xuống biển, chân bị gãy hở xương khớp háng. Trời xui đất khiến, một ngọn sóng to hất tui lên đảo. Những người trên đảo thấy, khiêng tui đưa vào trạm y tế. Sau đó, tui còn phải nằm viện ở TP.HCM.

Bây giờ thì phải sống chung với mấy cái bù-lon nối khớp háng, đi đứng khó khăn, nên để ghe cho thằng Tỷ nó đi biển. Chớ nói thiệt với anh, nghề biển có ma lực dữ lắm! Hồi còn sức khỏe, sóng gió gì tui cũng đi biển, chớ nằm bờ chịu hổng nổi đâu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, ra biển, việc quan trọng là phải để ý đến thời tiết. Hễ có dấu hiệu bão, hay nghe đài báo bão là phải mau mau vô bờ tìm chỗ tránh trú bão. Chớ đừng có hám lợi mà coi thường bão. Lũ trẻ bây giờ đi biển thì sướng rồi, vừa có nào máy tầm ngư, nào máy định vị,... vừa được Nhà nước hỗ trợ xăng dầu đi đánh bắt xa bờ. Tui nói với thằng Tỷ là phấn đấu để đóng tàu sắt vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa với người ta, để mình vừa săn cá đại dương, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nó hứa với tui, hễ sắm được tàu sắt là nó lấy vợ ngay!”. ./.

Ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết