Tiếng Việt | English

08/11/2015 - 19:28

Chuyện dọc đường biên

Đã từ lâu, người dân 2 bên biên giới nước ta và nước bạn Campuchia chung sống trong hòa thuận, tình nghĩa gắn kết như anh em. Có những nơi, đường biên giới chỉ là bờ ruộng. Người nơi xa tới có thể không nhận ra nhưng những nông dân cả đời gắn bó với vùng biên thì họ biết rõ, và tôn trọng nó như tôn trọng tình nghĩa anh em đã có tự lâu đời.

1. Chắc chỉ có ở biên giới mới có những “bữa tiệc quốc tế” bình dân bên chiếc bàn tròn nhiều đặc sản quê hương. Khách trên mâm dùng cả 2 thứ tiếng cho cuộc trò chuyện “bàn tròn”. Đó là một bữa lai rai của những nông dân làm ruộng liền kề 2 bên biên giới, cũng là một lớp học ngôn ngữ thiết thực và bổ ích cho cả đôi bên.

Ông Et SaRan ở xã ThMay, huyện Kong Pong Ro, tỉnh Svay Rieng đã sống gần trọn cuộc đời ở vùng biên. Ông nói tiếng Việt như một người Việt. Và lớp học duy nhất ông trải qua chính là những bữa tiệc “xuyên quốc gia” như thế. Là người dân Campuchia, nhưng mỗi khi cần mua bán, khám chữa bệnh, trao đổi hàng hóa, ông đều sang thị xã Kiến Tường nên mối quan hệ của ông với người dân Việt hết sức gắn bó và thân thiết.

Cả đời làm ruộng sát biên giới, những nông dân Campuchia và nông dân Việt Nam luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, rồi họ trở nên gần gũi, thân thiết tự khi nào cũng không rõ. Anh Nguyễn Tấn Thành ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường là em kết nghĩa của ông Et SaRan. Hai bên gia đình xem nhau như ruột thịt. Ruộng cạnh bên nên phân, thuốc, kỹ thuật đều hỗ trợ nhau.

Còn đối với ông NoWangThong (tên thường gọi là Pot), ở xã ThMay thì việc gắn bó với Việt Nam nghĩa là gắn bó với một phần máu thịt, với những người cùng huyết thống, vì ông có bà ngoại là người Việt. Hiện giờ, ông vẫn còn nhiều bà con thân thích ở thị xã Kiến Tường, nên việc qua lại không chỉ là nhu cầu cuộc sống mà còn là mối quan hệ ruột rà.

Và ông Pót, ông SaRan, anh Thành hay tất cả những người dân vùng biên đều có chung một điều mong mỏi, đó chính là sự bình yên, hòa hiếu, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống yên vui.

Cán bộ biên phòng Việt Nam khám bệnh cho người dân Campuchia

2. Việc qua lại mua bán, sản xuất 2 bên biên giới là chuyện hết sức bình thường. Mối thân tình không chỉ có giữa những người dân biên giới với nhau, mà cả các chiến sĩ biên phòng cũng quen mặt từng người, giữ mối quan hệ hòa hiếu với người dân nước bạn.

Trong những lần sang Việt Nam “như cơm bữa”, ông Pot vẫn dừng lại chuyện trò với các chiến sĩ biên phòng. Qua những cuộc trò chuyện ngắn như thế giúp các chiến sĩ và người dân nước bạn hiểu nhau hơn. Chính những nghĩa cử đẹp, những chính sách đối ngoại đúng đắn đó đã giúp chiến sĩ biên phòng ta nhận được nhiều tình cảm của người dân Campuchia sống gần biên giới. Ông SaRan nói rằng, ông biết mặt, biết tên rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, kể cả trưởng đồn.

Trung tá Đàm Quang Ngoạt - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp cho biết, trước đây tại đồn có mở lớp dạy tiếng Campuchia cho chiến sĩ và người dân khu vực biên giới. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ tình hòa hiếu luôn được chú trọng. Người dân biết tiếng Khmer trong khu vực được tập huấn, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương bảo vệ đường biên cột mốc, đối ngoại nhân dân. Từ đó, họ tuyên truyền lại cho người dân 2 bên, cùng nhau bảo vệ chủ quyền quốc gia, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế,… Từ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp của những người dân biên giới, mở rộng hơn là giúp nhau bảo vệ trật tự, an ninh cùng với lực lượng vũ trang, chính quyền giữ vững đường biên, thắt chặt tình đoàn kết.

Tại vùng đất biên cương này, với những người láng giềng xuyên biên giới, họ có một mối quan hệ gắn bó lâu đời, thân thiết mà không ai muốn phá vỡ. Họ dựa vào nhau, đùm bọc nhau như những người anh em. Họ hòa thuận và luôn muốn sống trong mối quan hệ ấy để có thể cùng nhau khề khà bên mâm rượu, kể nhau nghe những câu chuyện tếu lâm, chia sẻ chút kinh nghiệm làm nông bằng cả 2 thứ tiếng. Họ là những người dân vùng biên./.

Phương Phương
 

 

Chia sẻ bài viết