Tiếng Việt | English

05/11/2018 - 13:45

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo đảm đầu ra

Nông dân ngày càng mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Sản phẩm tìm được thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Mạnh dạn chuyển đổi

Từ khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT), các loại giống có năng suất, chất lượng cao hơn so với các loại giống cũ. Bên cạnh đó, một số vùng, nông dân còn luân canh, xen canh, tăng vụ hợp lý, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Tân Hưng là một trong những địa phương có thế mạnh về cây lúa. Vì thế, nông dân tại đây tìm hiểu, thay thế giống cũ bằng các loại giống lúa có năng suất, giá trị cao hơn để tăng thêm lợi nhuận cho gia đình. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) - Trương Hữu Trí: “So với trước đây, các xã viên mạnh dạn chuyển đổi giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. HTX sản xuất giống lúa cao sản, tạo thương hiệu khi ra thị trường. Nhờ đó, thu nhập của các xã viên tăng lên đáng kể. Sản phẩm của HTX được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Lợi nhuận bình quân của các xã viên khoảng 28 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 5 triệu đồng/ha/vụ so với bên ngoài. HTX được thành lập từ năm 2005, với diện tích 460ha, hiện tăng lên 560ha, hơn 100 xã viên tham gia sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích, chúng tôi sản xuất giống lúa cao sản, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong tất cả các khâu từ chọn giống, canh tác, chăm sóc đến thu hoạch,...”.

Nông dân huyện Vĩnh Hưng xen canh 2 vụ lúa - 1 vụ đậu đạt kết quả cao

Nông dân huyện Vĩnh Hưng xen canh 2 vụ lúa - 1 vụ đậu đạt kết quả cao

Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân cũng bắt đầu chuyển đổi sang sản xuất giống lúa chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nông dân còn luân canh, xen canh 2 vụ lúa - 1 vụ mè hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ đậu phộng nhằm tăng thu nhập. Bà Nguyễn Thị Tình, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi trồng xen canh đậu phộng thêm vụ 3 trên một phần diện tích. Quả nhiên, hiệu quả như mong đợi, gia đình tôi có thêm thu nhập 50 triệu đồng/vụ từ việc trồng xen canh này. Giờ đây, chúng tôi thay đổi cơ cấu giống lúa, thường chọn giống lúa nếp, nàng hương,... có giá trị cao hơn để sản xuất và tiếp tục duy trì việc xen canh để phát triển kinh tế”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, thời gian qua, việc chuyển đổi CCCT trên địa bàn được quan tâm, thực hiện. Nhiều diện tích đất lúa được chuyển sang trồng loại cây khác hoặc luân canh, xen canh, tăng vụ mang lại hiệu quả cao. Huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục định hướng chuyển đổi CCCT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, khuyến khích nông dân mạnh dạn trồng thêm những cây trồng khác có năng suất, chất lượng cao hơn so với cây lúa. Ngoài ra, huyện tập huấn kỹ thuật, áp dụng quy trình nông nghiệp tốt, an toàn và hướng dẫn nông dân thay đổi giống lúa có chất lượng, năng suất cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo hướng bảo đảm đầu ra

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cần Đước chuyển đổi CCCT phù hợp với nhu cầu thị trường, quy hoạch và định hướng phát triển của huyện. Việc chuyển đổi mang lại tín hiệu tích cực, một số mô hình: Trồng thanh long ruột đỏ, bưởi,... mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện tập trung ƯDCNC vào sản xuất rau màu. Không chỉ đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn vào trồng rau mà nông dân còn thay đổi tập quán canh tác cũ sang hướng hiện đại. Các loại rau cũng được nông dân chú ý, trồng theo nhu cầu của thị trường, hạn chế tình trạng “giẫm chân” nhau như trước đây.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khuê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “HTX bắt đầu thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, tăng cường ƯDCNC vào trồng rau. CCCT cũng thay đổi, không tập trung vào 1 hoặc 2 loại như trước đây. Chúng tôi nghiên cứu thị trường để trồng các loại rau khác nhau, tùy từng thời điểm phù hợp. Xã viên không còn tình trạng trồng cùng lúc chỉ 1, 2 loại rau. Chúng tôi phân chia cho từng xã viên trồng mỗi loại và hài hòa lợi ích chung. Vì vậy, rau của HTX tìm kiếm được thị trường, xã viên có lợi nhuận cao hơn, đặc biệt tránh tình trạng được mùa - rớt giá như trước. HTX bắt đầu sơ chế sản phẩm ban đầu như yêu cầu thị trường. Hiện nay, HTX có 10ha đất để canh tác”.

Nhiều diện tích đất lúa tại huyện Cần Giuộc được nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng rau màu, thu nhập tăng đáng kể

Nhiều diện tích đất lúa tại huyện Cần Giuộc được nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng rau màu, thu nhập tăng đáng kể

Tại huyện Cần Giuộc, một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu. Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Thuận Nam, xã Trường Bình, chia sẻ: “4.000m2 đất sản xuất lúa của gia đình không mấy hiệu quả nên 2 năm nay, tôi chuyển sang trồng rau màu. Cây rau khá phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, trồng quanh năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện tôi ƯDCNC vào sản xuất rau, bước đầu mang lại kết quả như mong muốn.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc, việc chuyển đổi CCCT trên địa bàn đạt kết quả nhất định. Nhiều diện tích đất lúa được nông dân chuyển sang trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng quy hoạch của địa phương. Huyện tiếp tục khuyến cáo nông dân lựa chọn các loại cây giống có năng suất, chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và ƯDCNC vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Nông dân chuyển đổi CCCT phù hợp, tăng năng suất, thu nhập. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp định hướng chuyển đổi CCCT bảo đảm đầu ra của sản phẩm. Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết