Tiếng Việt | English

01/01/2017 - 09:00

Chuyên gia tội phạm học lý giải nguyên nhân các vụ thảm án

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, cần nâng cao “sức đề kháng cho xã hội" bằng nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm.

Sát hại 4 người trong một gia đình

Đã hơn 2 tháng nay nhưng vụ sát hại 4 người trong một gia đình ở Lào Cai vẫn khiến dư luận bàng hoàng, căm phẫn. Hung thủ của vụ án rúng động này là Tẩn Láo Lở (tên khai sinh là Tẩn Ông Nải, SN 1992, trú tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Trước đó, chiều 9/8/2016, trên đường đi tìm bắt rùa đá, Tẩn Láo Lở gặp chị Tẩn Tả Mẩy đang chăn trâu. Tìm cớ gây sự, Tẩn Láo Lở đánh rồi dìm chết nạn nhân xuống ao rồi lấy đá chèn lên thi thể.

Sáng 25/12, Hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với tội danh giết người, cướp tài sản mà bị cáo Tẩn Láo Lở đã gây ra.

Trong lúc đang chèn đá, Tẩn Láo Lở phát hiện Tẩn Mai Phương (SN 2014, con gái chị Mẩy) và Tẩn Thùy Chi (SN 2010, cháu gái chị Mẩy) đi ngang qua. Sợ sự việc bại lộ, Lở đã lừa dìm chết cả 2 cháu bé tại một khe suối và một vũng nước rồi lấy đá đè lên.

Vào nhà nạn nhân, phát hiện con gái út của chị Mẩy là Tẩn Thúy Vân chưa đầy 1 tháng tuổi ngủ trên võng, Lở tiếp tục ra tay sát hại.

Sau đó, hắn ta lục soát trong nhà lấy đi số tài sản trị giá gần 1,4 triệu đồng. Trước khi rời khỏi hiện trường, Lở còn dùng súng kíp trong nhà chị Mẩy đặt làm bẫy tại cửa bếp, nhằm sát hại những người còn lại. Tối cùng ngày, Lở do lo sợ đã trốn lên ở hang đá trên rừng gần nhà cùng một khẩu súng kíp, một số đồ dùng và số tài sản cướp được. Đến tối 4/9, Tẩn Láo Lở đã được gia đình đưa đến Công an huyện Bát Xát đầu thú về hành vi giết người, cướp tài sản, giao nộp một phần số tài sản đã cướp được.

Sát hại 4 người vì mâu thuẫn bột phát

Trước đó là thảm án đau lòng xảy ra ở Nghệ An, hung thủ ra tay sát hại 4 người chỉ vì mâu thuẫn bột phát. Trưa 2/7/2015, sau khi ăn cơm ở lán của cha mình, Vi Văn Hai (SN 1995, trú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đến lán của ông Vi Văn Đoàn ở khu vực C5 Kèn Tạ để hái chanh. Lúc đó, gia đình anh Lô Văn Thọ, chị Lê Thị Yến, con trai Lô Việt Chung và bà Viêng Thị Dương đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Thấy Hai hái chanh của ông Đoàn, anh Thọ và Hai có lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra xô xát.

Anh Thọ lao vào đánh Hai nhưng không trúng. Hai chạy xuống sàn lán lấy con dao đuổi chém anh Thọ nhiều nhát cho đến khi anh Thọ ngã gục.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 28/6/2016, bị cáo Vi Văn Hai rút đơn kháng cáo, chấp nhận mức án tử hình.

Thấy chồng bị chém, chị Yến địu con trai bỏ chạy ra hướng bờ suối. Hai cầm dao đuổi theo. Ra đến suối, Hai gặp bà Dương đang tắm liền dùng dao chém chết bà Dương rồi đuổi chém chị Yến, cháu Chung tử vong. Tính đến thời điểm gây án, hung thủ còn khá trẻ, tuy nhiên tính chất manh động, côn đồ hung hãn khi gây án của hắn thì khó có thể chấp nhận được. Vi Văn Hai bị tòa án tuyên phạt tử hình về tội Giết người.

Giết người, chôn xác ở Lâm Đồng

Ngày 30/8/2015, một người dân đã phát hiện thi thể tài xế taxi Hoàng Thế Vinh (35 tuổi, ở Đắk Lắk) bị chôn trong khu vực đồi thông ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Cơ quan điều tra làm rõ, anh Vinh bị Kiều Quốc Huy (27 tuổi, ở Đắk Lắk) sát hại, cướp ô tô.

Bị cáo Kiều Quốc Huy bật khóc tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào sáng 22/12/2016.

Đáng chú ý là trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện Huy liên quan đến việc mất tích của vợ chồng anh Hoàng Bình, chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (cùng SN 1984, ở huyện Bảo Lâm) nên mở rộng điều tra. Đến đêm 26/9, Huy khai nhận trước cơ quan điều tra, vợ chồng anh Bình đã bị đối tượng này sát hại vào tháng 3/2012, rồi ném xác xuống giếng cũ cạnh nhà nạn nhân để phi tang. Khai quật giếng theo lời khai của Huy, cơ quan điều tra tìm thấy hài cốt vợ chồng anh Bình bị vùi lấp dưới đất, đá, rác.

Tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng phức tạp

Điểm qua những vụ án trên cho thấy một thực tế đáng lo ngại là các vụ giết người, đối tượng đều còn rất trẻ, hành vi giết người hết sức dã man, côn đồ mà động cơ đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Tình trạng trẻ hóa tội phạm đang thực sự báo động, ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan điều tra, cơ quan tham mưu phá án.

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, những vụ thảm án xảy ra thời gian qua cần được cắt nghĩa dưới nhiều góc độ, trước hết là những mâu thuẫn, xung đột thường xảy ra từ những va chạm hàng ngày trong sinh hoạt, công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày gặp những điều kiện bất lợi rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát.

Một vấn đề nữa cần được nhìn nhận đó là áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc… những tác động từ mặt trái của thị trường đã chi phối, làm thay đổi giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Kỹ năng sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay còn nhiều hạn chế. Họ không làm chủ được hành vi của mình nên khi gặp tình huống bất lợi thường không có kỹ năng phản ứng mà sử dụng bản năng, theo sự thúc đẩy từ nội tâm bên trong bằng những yêu cầu tự thân hơn là sự chi phối của nhận thức.

“Qua nghiên cứu, những vụ phạm pháp do đối tượng thanh thiếu niên gây ra có tỷ lệ rất cao, đặc biệt những đối tượng từng phải chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình, gia đình đổ vỡ ly tán; gia đình không gương mẫu chấp hành các quy định tại nơi cư trú, gia đình có người nghiện (rượu, cờ bạc, ma túy…), thậm chí gia đình có người vi phạm pháp luật”, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết.

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, nhận thức về hành vi pháp luật kém.

Hậu quả của tình trạng trên là một bộ phận giới trẻ có tư tưởng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không.

Để ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày một trẻ, phức tạp, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng cần "nâng cao sức đề kháng cho xã hội" bằng nhiều giải pháp. Trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ. Khi người dân nhận định rõ hành vi sai trái bị lên án, nhất định bị xử lý, bị trừng phạt… thì khi đó sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình.

Ngoài ra, vai trò giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, về pháp luật vào trong nhà trường; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm./.

Kim Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết