Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 01:45

Chuyện những người phân giới, cắm mốc

Trên tuyến biên giới, việc đi lại đo đạc, xác định vị trí cột mốc đã khó, vận chuyển phương tiện, thiết bị, vật tư thi công cột mốc càng khó hơn. Đó là một phần nhỏ trong những khó khăn mà những người làm công tác phân giới, cắm mốc (PGCM) phải nỗ lực vượt qua, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Long An có đoạn biên giới quốc gia dài 132,97km, trong đó có 89,27km trên bộ và 43,7km trên sông, tiếp giáp tỉnh Svay Rieng và một phần tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Long An được giao xác định và xây dựng 54 vị trí mốc với 60 cột mốc (có 6 mốc đôi).

Đến nay, xác định và xây dựng 41/54 vị trí mốc

Đến nay, xác định và xây dựng 41/54 vị trí mốc

Thực hiện được những phần việc nêu trên, với cán bộ, chiến sĩ Đội PGCM số 7 là quãng thời gian dài, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Các anh âm thầm, lặng lẽ hoàn thành xuất sắc công việc đầy tự hào và vinh quang được Đảng, Nhà nước giao.

Gần 10 năm qua, kể từ khi cột mốc đầu tiên được cắm xuống đường biên giới của tỉnh cũng là chừng ấy thời gian, các anh trong Đội PGCM gánh trên vai những trọng trách mới với biết bao khó khăn, vất vả. Do đặc thù công việc, các thành viên trong đội phải sống tập trung, việc gia đình đành gác lại, bởi nhiệm vụ các anh đang làm là vì tương lai, vì sự bình yên, ổn định của vùng biên giới.
Đội phó Đội PGCM số 7 - Nguyễn Xuân Lam bộc bạch: Có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến công tác. Vào mùa mưa, đường biên giới lầy lội, có những lúc xe chuyên dụng chỉ có thể đưa đội tập kết đến một vị trí nhất định. Để đến được vị trí cần xác định mốc, các thành viên phải đi bộ, mang vác công cụ, máy móc vượt kênh, rạch dưới thời tiết nắng nóng. Nếu trời có mưa, giông cũng đành chấp nhận, bởi từ vị trí mốc đến các khu dân cư rất xa. Những lúc hành quân xa, anh em phải mang theo cơm vì thường làm việc đến khi nào xong mới quay về nơi đóng quân.

Không những thế, trong quá trình thi công cột mốc biên giới gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn các vị trí cắm mốc nằm ở địa hình trũng thấp, vùng lũ nên việc vận chuyển, tập kết vật tư và phương tiện thi công phải trung chuyển nhiều công đoạn mới đến công trình, một số vị trí không thể mở đường công vụ, mà sử dụng nhân lực để gánh vác, do đó mất nhiều thời gian, công sức của bộ đội. Mặt khác, những vị trí mốc được xác định nằm xa khu dân cư, phải lập lán trại, ăn ở dã ngoại,...

Thi công cột mốc trên tuyến biên giới

Đại úy Nguyễn Văn Bình - Đại đội phó Đại đội Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Tuy công việc vất vả nhưng bằng sự nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu trong toàn đơn vị, đặc biệt được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, sự giúp đỡ chân thành của người dân hai bên biên giới nên đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc xây dựng cột mốc bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng kỹ thuật công trình. Hai đội còn được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân, các đơn vị biên phòng, lực lượng vũ trang đang đóng quân dọc hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia”.

Dù công việc vô cùng khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn không nản lòng, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Xác định đây là nhiệm vụ, trọng trách được Đảng và Nhà nước giao nên dù có khó khăn, gian khổ đến mấy, các anh vẫn cố gắng vượt qua. Những gì các anh làm góp phần xây dựng một vùng biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định, phát triển./.

Đến nay, tỉnh xác định và xây dựng 41/54 vị trí mốc (đạt hơn 77%), phân giới trên 79km (đạt 67%), nghiệm thu 28/41 bộ hồ sơ mốc giới. Toàn tuyến biên giới Long An (Việt Nam) - Campuchia có 65 vị trí với 90 cột mốc phụ. Trong đó, Long An được giao xác định 22 vị trí với 36 cột mốc phụ, còn lại phía Campuchia. Năm 2017, tỉnh triển khai, xác định và cắm 32/36 cột mốc phụ, đạt 88,9% kế hoạch (còn 4 cột mốc phụ sẽ cắm sau khi nước rút).

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết