Tiếng Việt | English

29/08/2018 - 14:56

Chuyện ở một ngôi trường vùng biên

Ở ngôi trường THCS, THPT Mỹ Quý (ấp 1, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), có nhiều câu chuyện cảm động về việc dạy, học, tiếp sức cho học sinh nghèo. Trong đó, có cả những trăn trở trong hành trình tìm con chữ của học sinh vùng biên.

Trường THCS, THPT Mỹ Quý được xây dựng khang trang là nơi học tập của hơn 1.000 học sinh

Trường THCS, THPT Mỹ Quý được xây dựng khang trang là nơi học tập của hơn 1.000 học sinh

Chuyện học của học sinh

Trường THCS, THPT Mỹ Quý là nơi học tập của hơn 1.000 học sinh (trong đó, khối THCS có 620 em) đến từ các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông và một phần Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Tây. Ngôi trường 3 tầng khang trang là một trong những công trình lớn nhất ở vùng biên giới này.

“Các em tiếp thu bài rất nhanh, lớp trẻ bây giờ rất thông minh, sáng tạo, nhanh nhẹn. Điều đó cũng tạo động lực cho giáo viên trau dồi, nâng cao trình độ để không bị tụt hậu” - thầy Võ Văn Nho - Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ cho biết.

Theo thống kê, năm học 2016-2017, trường có 100% học sinh tốt nghiệp; năm học 2017-2018 có 99,23%. Trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học tăng dần. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, qua nắm danh sách ban đầu, có khoảng 30 em đậu đại học. Bây giờ, trong câu chuyện quen thuộc của những nông dân “chân lấm tay bùn” ngoài sản xuất lúa, bảo vệ an ninh biên giới, còn có cả câu chuyện về việc học của các con.

Vùng biên này có không ít con em đỗ đạt, trở về phục vụ quê hương, như thầy Nguyễn Tấn An sau khi tốt nghiệp đại học, về công tác tại ngôi trường xưa kia mình từng theo học.

Vùng này, dù thay đổi rất nhiều so với trước nhưng đường giao thông nông thôn chủ yếu vẫn là nền đất, trải sỏi đỏ nên nắng thì bụi, mưa vẫn lầy. Thầy Võ Văn Nho kể, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão, nhiều em nhà xa không thể đến trường. Có em đến trường, quần áo lấm lem bùn đất, thấy thương lắm!

Tiếp sức học sinh nghèo

Trong những trăn trở ở ngôi trường vùng biên này còn là chuyện tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao. Năm học 2016-2017, trường có 25 em bỏ học, trong đó chiếm số đông là ở bậc THCS. Nguyên nhân chủ yếu là nhà xa, phụ huynh chưa quan tâm đến chuyện học của con em, có em lực học yếu, hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

“Thấy học sinh bỏ học, giáo viên nhiều lần đến thuyết phục phụ huynh nhưng vẫn có trường hợp không thể thuyết phục được. Thương các em, có em ham học và học khá tốt” - cô Nguyễn Thị Thu Nga - giáo viên môn Ngữ văn, kể.

Để tiếp sức đến trường, vào đầu năm học, trường phối hợp chính quyền địa phương vận động học bổng, quần áo, tập, sách hỗ trợ học sinh nghèo. Mỗi năm, có khoảng 20 học sinh nghèo hiếu học được các doanh nghiệp, đơn vị cấp học bổng. Trường cũng xây dựng được quỹ học tập để mỗi năm hỗ trợ học sinh khoảng 30 triệu đồng.

Em Trần Thị Thu Trang hoàn cảnh rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ bị tai biến, mọi chi phí trong gia đình nhờ vào số tiền bán cá của người chị. Biết được hoàn cảnh của Trang,  trường vận động học bổng, tặng quà cho em vào đầu năm học mới. Năm học 2017-2018, Trang được nhận 2 suất học bổng 20 triệu đồng. “Năm nay là năm cuối cấp 3 nên em phải cố gắng thật nhiều để đạt kết quả cao trong kỳ thi tới. Đó cũng là cách em tri ân nhà trường và các đơn vị đã giúp đỡ” - Thu Trang bày tỏ quyết tâm.

Những năm gần đây, việc dạy và học tại Trường THCS, THPT Mỹ Quý đạt nhiều kết quả tích cực

Những năm gần đây, việc dạy và học tại Trường THCS, THPT Mỹ Quý đạt nhiều kết quả tích cực

Vài năm trở lại đây, cô Nguyễn Thị Thu Nga - giáo viên của trường, đều trích tiền lương để tặng quà tết cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất (mỗi phần trị giá 500.000 đồng). Cô Nga còn giúp em Trương Bảo Hoàng (xã Mỹ Quý Tây) đóng học phí. Nhà nghèo, cha mẹ ly hôn nên hoàn cảnh của Hoàng rất khó khăn.

Cô Nga quê ở TP. HCM, từng dạy học ở quận 9. 20 năm trước, cô theo chồng về xã Mỹ Quý Tây sinh sống và gắn bó với Trường THCS, THPT Mỹ Quý. “Nghĩ lại những lần đến thăm mấy đứa học trò gầy gò, đen nhẻm sống trong căn nhà tạm xiêu vẹo, nước mắt mình lại trào ra” - cô Nga chia sẻ.

Rời mái trường vùng biên, trên chặng đường về, tôi cứ nghĩ mãi đến chuyện học của các em học sinh nơi đây. Thật vui vì trong năm học này, học sinh ở đây vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ của mạnh thường quân. Rồi tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn khi có được con chữ, tôi tin thế!

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết