Tiếng Việt | English

02/05/2019 - 20:14

Chuyện về một cựu tù Côn Đảo

95 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chịu cảnh tù đày khổ ải nơi “địa ngục trần gian”, vậy mà ông luôn nói mình may mắn... Trong ngôi nhà nhỏ tại xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, ông Nguyễn Văn Vương (tự là Bảy Vô) chậm rãi lần giở những dòng hồi ký trên mảnh giấy ố vàng, nhớ về một thời hoa lửa...

Ông Bảy hồi tưởng một thời bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo

Ông Bảy hồi tưởng một thời bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo

Hơn 14 năm ở “địa ngục trần gian”

Tôi có dịp gặp ông Bảy trong một lần tình cờ và được nghe ông kể về chuyện đời mình. Đó là câu chuyện dài với hành trình gian khổ của một cựu tù chính trị bị giam giữ hơn 14 năm tại nhà tù Côn Đảo. Trải qua biết bao đòn roi, tra tấn, hành hạ bạo tàn của quân địch, ông Bảy vẫn một lòng đi theo cách mạng.

Nhấp chén trà, ông hồi tưởng, tham gia kháng chiến năm 1945, năm 1958, ông làm Bí thư Huyện ủy Tân Trụ. Đến năm 1959, Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn kêu án ông 15 năm tù khổ sai, sau đó đày ra Côn Đảo. Ông Bảy nói, nhà tù Côn Đảo đúng là địa ngục trần gian". 

Ông chậm rãi: “7 giờ sáng, chúng tôi - những cựu tù chính trị, bị đày ra Côn Đảo. Hai bên đường, bọn giám thị, cai ngục, lính bảo an và hàng trăm bọn trật tự cầm gậy tre liên tục chửi, đánh. Đây là Côn Sơn, không phải đất liền, nghe lời thì yên thân, cứng đầu là đi Hàng Dương (Hàng Dương là nghĩa địa chôn tù)”. 

Từ đó, ông bắt đầu những ngày tháng lao động khổ sai quá sức. Người tù bị cùm chân, nằm dưới nền xi măng ẩm ướt, bị tra tấn, ăn toàn gạo đỏ, nấm đắng, khô mục. Họ không còn sức, muốn di chuyển phải bò lết. Người bị bệnh, già yếu, tật nguyền không được chữa trị, chỉ còn da bọc xương, răng, tóc rụng, ghẻ lở đầy mình. Gần 15 năm với công việc khổ sai trong xiềng xích, ông Bảy chứng kiến không ít đồng đội của mình hy sinh, bị vùi thân nơi hàng dương sóng vỗ.

Thế nhưng, trên đảo vẫn có tổ chức Đảng lãnh đạo rất chặt chẽ. Ông Bảy nhờ quen biết với một số đồng đội khác, từng tham gia chiến đấu trước đây nên hợp lại thành lập một số chi bộ cơ sở. Riêng ông phụ trách chi bộ trại 2, sở phụ hồ. Các đồng chí thề quyết tử, đấu tranh giữ vững khí tiết. Nghị quyết đầu tiên của các đồng chí đưa ra là chủ yếu đòi dân sinh với hình thức hợp pháp, nhẹ nhàng. Không ngờ, tháng 6-1962, cơ sở Đảng bị bại lộ, nhiều đồng chí bị đưa xuống giam tại chuồng cọp, địch dùng đủ cực hình để tra tấn, song không khuất phục được ý chí đấu tranh. 

“Trong thời gian này, bọn chúng đưa tôi từ sở phụ hồ sang sở muối. Lợi dụng đoàn Quốc hội Mỹ đến chuồng cọp, anh em chúng tôi mạnh dạn tố cáo chế độ nhà tù Côn Đảo rất dã man, đối xử vô nhân đạo với tù chính trị. Chúng tôi tiếp tục hoạt động, đấu tranh đòi trả tự do với phương châm “nhất lỳ nhì lý”. Ngày Bác mất, tôi được cử làm chủ lễ và học thuộc Di chúc của Bác. Sau đó, chúng tôi tiến hành buổi lễ nghiêm trang, long trọng để nhắc nhở mọi người sống sao xứng đáng, dù trong hoàn cảnh nào cũng ngẩng cao đầu mà đi... Sau khi quân địch liên tục thua trận và Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, cùng với một số cựu tù, tôi được trả tự do” - ông chia sẻ. 

Trở về với cuộc sống đời thường

Người tử tù trở về với cuộc sống đời thường khi trên mình mang nhiều vết thương. Nhiều năm bị tra tấn, hành hạ, sức khỏe ông suy yếu, một bên mắt bị mờ, đôi chân dần teo lại. Ông Bảy hiện nay chân đi không vững, đôi mắt mờ, tai không còn nghe rõ nữa nhưng những ký ức về những ngày tháng gian khổ trong nhà giam và những tình cảm dành cho đồng đội vào sinh ra tử không thể nào quên. Hướng đôi mắt buồn, ông xúc động: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người khi trải qua hai cuộc kháng chiến vẫn lành lặn thân thể. Tôi trở về nhà được đoàn tụ bên người vợ thân yêu và những đứa con thơ. Nhiều đồng đội của tôi thì không thể...”.

Từng dòng hồi ký nhà tù Côn Đảo được ông giữ gìn cẩn thận

Từng dòng hồi ký nhà tù Côn Đảo được ông giữ gìn cẩn thận

Hòa bình lập lại, ông từng 2 lần quay trở lại nhà tù Côn Đảo. Qua từng năm tháng, vết bụi thời gian dù có làm mờ những hồi ức đau thương nhưng với ông, câu chuyện cùng đồng đội từng sống, chiến đấu tại nơi đây vẫn mãi không phai mờ. Đến nay, tuổi cao, sức yếu, ông Bảy vẫn dành thời gian nhắc nhở con cháu giữ gìn truyền thống gia đình. Từng dòng hồi ký được ông viết lại không chỉ để con cháu hiểu được mà còn dành tặng những ai muốn tìm hiểu thêm về cựu tù từng sống, chiến đấu tại nhà tù Côn Đảo. Đó cũng là cách ông giáo dục con cháu sống sao cho trọn vẹn với truyền thống gia đình. 

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ ngày nay, ông Bảy trăn trở, hiện nay, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động cơ bắp, lao động phổ thông đến giai đoạn sẽ không còn sử dụng, máy móc thay thế cho con người. Vì vậy, lực lượng thanh niên phải rèn luyện, học tập có trình độ để không bị tụt hậu. Đồng thời, những người làm cán bộ Đoàn cần có kế hoạch, mô hình để hướng dẫn, hỗ trợ, giáo dục và tập hợp thanh niên. 

Chia tay ông Bảy, tôi nhớ mãi hình ảnh người cựu binh hiếu khách, sẵn sàng ngồi trò chuyện hàng giờ đồng hồ với những ai muốn tìm hiểu về “địa ngục trần gian”. Có lẽ, ở “cái dốc” bên kia của cuộc đời, ông không mong gì hơn một cuộc đời bình lặng, sống an vui bên con cháu./.

Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975, tại Côn Đảo, những lãnh đạo đầu sỏ ở phe địch đều bỏ chạy. 1 giờ sáng 01/5/1975, Đảng ủy Côn Đảo phát lệnh nổi dậy đồng loạt, đến 9 giờ, toàn bộ Côn Đảo được giải phóng. Ngày 04/5/1975, quân giải phóng tiếp quản Côn Đảo. Ủy ban Quân quản được thành lập, lực lượng tù chính trị giải phóng được tổ chức thành “Đoàn chiến sĩ chiến thắng”.

Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại Côn Đảo. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như tù phạm chính trị, tử tù,... Nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa, sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp”. Đây là nơi ghi lại những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết