Tiếng Việt | English

26/11/2019 - 20:10

Chuyện về ông An 'thanh long'

Từ một nông dân chính hiệu nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thế mạnh vùng, miền, biết vận dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ông Trương Quang An, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã đổi đời từ cây thanh long. Hiện ông là Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu. Trò chuyện cùng lão nông, vị giám đốc này, tôi vẫn thường gọi là ông An “thanh long”.

Ông An luôn chú trọng đến xây dựng thương hiệu thanh long của hợp tác xã. Đồng thời mong muốn sẽ đưa thanh long của hợp tác xã đến nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới
Ông An luôn chú trọng đến xây dựng thương hiệu thanh long của hợp tác xã. Đồng thời mong muốn sẽ đưa thanh long của hợp tác xã đến nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới

Mạnh dạn chuyển đồi cây trồng 

Giữa những ngày đầu tháng 11, tại điểm sơ chế thanh long rộng thênh thang của Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu do mình làm giám đốc, ông Trương Quang An vui vẻ kể về cuộc đời và chuyện khởi nghiệp từ cây thanh long. Câu nói “Nhờ cây thanh long mà tôi có cuộc sống như ngày hôm nay” luôn được ông nhắc đi, kể lại nhiều lần.

Thời điểm năm 1995, Châu Thành vẫn là huyện nghèo của Long An, người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa, con heo. Cây thanh long chỉ được trồng “hoang dại” ven hàng rào, leo tự nhiên lên các cây gỗ, trái được thu hoạch cũng chỉ bán ở chợ quê. Lúc đó, ông An cũng như bao nông dân khác chỉ nuôi heo, trồng rau,… để sống qua ngày. Nhưng ông may mắn gặp được các thương lái đi hỏi mua thanh long giá cao để bán sang nước ngoài. Nhận thấy tiềm năng lớn, ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng thanh long ruột trắng.

Để có năng suất cao, ông An tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật trồng, chăm bón. Thay vì cho thanh long leo trên cây gỗ, hàng rào thì ông cho nó leo trụ, được bón phân, tưới nước. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, những cây thanh long vốn được bỏ hoang đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ thắng lợi nho nhỏ ban đầu đó, lão nông Trương Quang An tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

“Từ 5 công đất đầu tiên, đến nay diện tích trồng thanh long của gia đình tôi lên đến hơn 3ha, mỗi năm mang về lợi nhuận hơn 4 tỉ đồng. Chính nhờ đó mà đời sống của gia đình được cải thiện, nhà cửa được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi, các con được đi học đầy đủ” - ông An chia sẻ.

Hỏi về quyết đoán chuyển đổi sang trồng thanh long của những năm trước có phải là một sự táo bạo, bởi vào thời điểm đó, cây thanh long có vẻ vẫn rất lạ ở một vùng đất vốn chỉ trồng lúa, nếp là chính? Ông An cười bảo, có lẽ đó cũng là một quyết định khá lạ nhưng lại cực kỳ đúng đắn. “Nếu mình biết cố gắng, tận dụng cơ hội, tiềm năng, lợi thế của vùng, miền để sản xuất nông nghiệp thì không khó để làm giàu. Song song đó, trong quá trình làm cần biết học hỏi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, lợi nhuận” - ông An tâm sự.

Qua tìm hiểu, những năm gần đây, nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi nhiều diện tích thanh long ruột trắng sang ruột đỏ. Những năm trước, thanh long ruột đỏ được giá, cao gấp đôi, gấp ba so với thanh long ruột trắng, nhiều người đã đổ xô trồng giống này; hiện chiếm phần lớn diện tích trồng thanh long ở địa phương. Nhưng giống thanh long ruột đỏ phần lớn chỉ tiêu thụ được ở thị trường Trung Quốc, không được các nước khác ưa chuộng, trong khi năng suất khá thấp, dễ bị sâu, bệnh. Đến nay, diện tích trồng phát triển quá lớn, lan sang nhiều địa phương khác dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cả thời gian qua cũng bấp bênh và không còn cao như trước.

Riêng gia đình ông An lại chọn phương pháp khác và không chạy theo mọi người. Hàng chục năm nay vẫn trung thành với giống thanh long ruột trắng. Thậm chí khi một số diện tích thanh long bị già đi, cần phải trồng mới thì ông vẫn tiếp tục trồng bằng giống cây này. Nhiều người trong vùng nói ông An “điên”, nhưng cái "điên" đó vẫn đem về tiền tỉ cho ông mỗi năm một cách bền vững.

Ông An cho biết: “Vừa qua, nông dân một số địa phương khác liên hệ để học tập kinh nghiệm trồng thanh long, nhưng tôi cũng khuyên nên cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi mỗi địa phương có tiềm năng, lợi thế và thổ nhưỡng riêng, nên trồng giống cây nào cho phù hợp. Hơn nữa, nếu ở đâu cũng ồ ạt trồng thì rất dễ bị thua lỗ và dẫn đến nguy cơ vỡ quy hoạch, cung vượt cầu”.

Nói đến sản xuất thì ông An được biết đến là người chịu khó nghiên cứu, tìm tòi các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả. Toàn bộ vườn thanh long của ông hiện nay đều trồng theo chuẩn VietGAP, bón phân vi sinh, sử dụng hệ thống đèn xông cao áp, hệ thống tưới nước tự động,...

“Thay vì phải kéo dây, bắt bóng để xông đèn rồi kéo vòi tưới nước cho thanh long mỗi ngày, mất thời gian, tốn công sức thì giờ đây, tôi chỉ cần bấm trên điện thoại thông qua ứng dụng là có thể bật đèn, tự động tưới nước cho thanh long. Sáng đi uống cà phê, chiều đi nhậu cũng có thể tưới nước” - ông An hồ hởi khoe.

Đưa thanh long Châu Thành đi xa 

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, diện tích trồng thanh long của huyện Châu Thành liên tục tăng mạnh, hiện có hơn 9.000ha. Phần lớn hộ trồng đều có thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng mỗi năm. Và một điều thú vị là nông dân Trương Quang An bây giờ còn là Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu. Đây là HTX có tiếng ở huyện Châu Thành. 

Nói đến chuyện trở thành giám đốc của một HTX kiểu mới như hiện nay, ông An kể, qua nhiều năm trồng cây thanh long nhưng có một điều khiến ông luôn trăn trở là tình trạng nông dân sản xuất còn manh mún, nhỏ, lẻ, dễ bị thương lái ép giá, dễ mua nhầm các loại phân bón giả, khi muốn xuất khẩu thì chất lượng và số lượng sản phẩm không bảo đảm. Do đó, năm 2008, ông chủ động vận động các hội viên nông dân cùng liên kết, góp vốn thành lập HTX Thanh long Tầm Vu.

Trước khi thành lập HTX, ông đã xin tham gia một số khóa tập huấn và chủ động sang Đức để học tập kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của HTX. Thành lập HTX vào đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều người không ủng hộ, nhưng ông đã vượt qua khó khăn để đi đến thành công, HTX càng ngày càng phát triển, hàng hóa được thị trường tín nhiệm và xuất khẩu đi nhiều nước.

HTX ban đầu chỉ có 13 thành viên với diện tích 13ha, vốn điều lệ 250 triệu đồng; đến nay có 40 thành viên với diện tích hơn 50ha, vốn điều lệ được nâng lên 4 tỉ đồng. Phần lớn diện tích trồng thanh long của thành viên HTX đều theo chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Từ những ngày đầu khó khăn, phải mượn nhà thành viên để làm điểm giao dịch thì đến nay, HTX đã có trụ sở khang trang rộng hàng ngàn mét vuông, có hội trường cho thành viên hội họp, trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây thanh long. HTX Thanh long Tầm Vu còn đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long 500 tấn. 

Bên cạnh đó, vị Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu còn rất chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, đã có 4 nước công nhận nhãn hiệu thanh long của HTX gồm Mỹ, Nhật, Singapore và Trung Quốc. 

Mỗi năm, hàng ngàn tấn thanh long của các thành viên sản xuất ra được HTX thu mua để sơ chế, đóng gói, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất,… Có những thời điểm sản lượng của thành viên trong HTX không đủ cho các đơn hàng xuất khẩu, ông An phải liên hệ ký hợp đồng để thu mua thêm thanh long từ các HTX khác. Doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt hàng chục tỉ đồng/năm.

“Bây giờ mà làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống là không ăn, khó phát triển bền vững. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, biết liên kết với nhau, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, điều quan trọng là phải chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận chứ không nên phụ thuộc một thị trường lớn là Trung Quốc” - ông An cho biết. 

Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông An cho biết, ông và các thành viên sẽ dốc hết tâm sức để đưa HTX Thanh long Tầm Vu phát triển mạnh mẽ hơn. Thanh long trong HTX phải được xây dựng thành thương hiệu mạnh, đạt chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,…

Những cố gắng, nỗ lực của ông An không chỉ được đền đáp bởi hiệu quả mang lại mà còn được các cấp ghi nhận, thể hiện qua nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể,...

Từ một vùng đất nghèo, người dân Châu Thành giờ đây trở nên khá giả, những căn biệt thự khang trang, những chiếc xe hơi đời mới là điều không khó tìm thấy ở đây. Trong đó, có những người là tỉ phú như ông An.

Thông qua câu chuyện với ông Trương Quang An, chúng tôi nhận thấy sự nhiệt huyết vẫn còn tràn trề trong lão nông đã gần 60 tuổi này. Một người nông dân nói được, làm được, biết học hỏi khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất và liên kết lại thành HTX quy mô lớn như ông An là một tấm gương tiêu biểu, đầy nghị lực để nhiều người học hỏi.

"Bây giờ mà làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống là không ăn, khó mà phát triển bền vững. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, biết liên kết với nhau, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, điều quan trọng là phải chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận chứ không nên phụ thuộc một thị trường lớn là Trung Quốc”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông An cho biết, ông và các thành viên sẽ dốc hết tâm sức để đưa Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu phát triển mạnh mẽ hơn. Thanh long trong hợp tác xã phải được xây dựng thành thương hiệu mạnh, đạt chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,..."../.

Ông Trương Quang An

Lê Đức

Chia sẻ bài viết